Quyền nuôi con có thể thay đổi nếu phù hợp với lợi ích của con
- 15/03/2019
- 4731
Người trực tiếp nuôi con có thể được yêu cầu thay đổi nếu như sự thay đổi đó là phù hợp và tốt cho lợi ích, sự phát triển toàn diện của con. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn có thể tham khảo chi tiết vụ việc dưới đây.
1. Tóm tắt vụ việc
Vụ việc thuộc bản án số 45/2018/HNGĐ-ST do Tòa án nhân dân huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu giải quyết.
Nguyên đơn là Anh Nguyễn V. C- sinh năm 1991. Địa chỉ: Ấp A , xã X, huyện H, tỉnh Bạc Liêu. (Anh C có đơn đề nghị xét xử vắng mặt)
Bị đơn: Chị Võ Ng. Ph – sinh năm 1993. Địa chỉ: Ấp A, xã X, huyện H, tỉnh Bạc Liêu. (Địa chỉ chỗ ở hiện nay :Ấp A, xã X, huyện H, tỉnh Bạc Liêu). (Chị Ph vắng mặt tại phiên tòa không lý do).
Theo bản án Hôn nhân gia đình số 03/2017/HNGĐ-PT ngày 28/02/2017, nguyên đơn là anh Nguyễn V. C trình bày như sau: anh C đã giao con chung là cháu Nguyễn V.T.A sinh năm 2014 cho chị Võ Ng. Ph nuôi do cháu A chưa đủ 36 tháng tuổi. Đến thời điểm này, cháu A đã trên 36 tháng tuổi và có cuộc sống chung ổn định với anh C nên anh C muốn giao quyền nuôi con chung cho anh C. Anh không yêu cầu cấp dưỡng khi nuôi con.
Bị đơn là chị Võ Ng Ph trình bày như sau: Cháu A sống với anh C từ trước ngày chị khởi kiện xin ly hôn đến nay. Chị cho rằng, trước đây mỗi lần khi thăm con cùng cha thì cha chị Ph với cha anh C và anh C đều gây gổ với nhau. Vì thế, chị không đi thăm con lần nào từ khi Tòa án tỉnh Bạc Liêu ra bản án đến nay. Chị xác định không đồng ý yêu cầu của anh C với cháu A vì Tòa án đã giao quyền nuôi con cho chị.
Tòa án nhận định:
Anh C yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, chị Ph không đồng ý yêu cầu của anh C với lý do là Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã giao cho chị Ph quyền nuôi con khi ly hôn. Hội đồng xét xử xét thấy, sau khi ly hôn cha và mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng con chưa thành niên. Chị Ph đã được Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu giao quyền trực tiếp nuôi con với căn cứ là con chung của anh chị dưới 36 tháng tuổi. Tuy nhiên khi Bản án có hiệu lực chị Ph không kiên quyết yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thi hành Bản án đối với phần con chung. Chị vẫn để cho cháu A ở cùng với anh C. Đến nay thì cháu T.A đã trên 36 tháng tuổi, chị Ph không còn quyền ưu tiên nuôi con chung, bên cạnh đó từ ngày xét xử phúc thẩm đến nay chị Ph không có đi thăm cháu T.A lần nào cho thấy chị Ph không có tình cảm tha thiết với cháu A. Hiện tại chị Ph lại không có mặt tại địa phương cũng không cung cấp cho Tòa án địa chỉ chỗ ở mới của chị Ph.
QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
- Về quyền trực tiếp nuôi con: Chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của anh Nguyễn V.C. Giao cháu Nguyễn V.T. A- sinh ngày 20/8/2014 cho anh C trực tiếp trông nom, chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng; chị Ph có quyền, nghĩa vụ thăm nom con theo quy định của pháp luật, không ai được quyền cản trở.
- Về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con: Anh Nguyễn V.C không yêu cầu chị Võ Ng Ph cấp dưỡng nuôi con trong vụ án này, nên Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét giải quyết.
2. Nhận định từ Luật sư
Khi ly hôn, vợ chồng có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Tuy nhiên, việc Tòa án giao con cho một bên vợ/chồng nuôi dưỡng không có nghĩa là quyền nuôi con mãi mãi thuộc về người đó. Sau này, kể cả khi bản án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật, nếu người cha hoặc người mẹ có yêu cầu thì Tòa án vẫn có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Theo khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân gia đình 2014 thì:
“Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”
Trong trường hợp cha, mẹ thỏa thuận được về việc thay đổi người nuôi con thì hai bên có thể gửi đơn yêu cầu Tòa án công nhận thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Ngoài ra, Tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con nếu người đó không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, giáo dục con. Trong trường hợp này, để có thể thay đổi quyền nuôi con thì một bên phải chứng minh được người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nữa. Điều kiện trực tiếp nuôi con hoặc điều kiện thay đổi quyền nuôi con nhìn chung sẽ dựa vào các yếu tố: Điều kiện vật chất, yếu tố tinh thần, sức khỏe của cha mẹ, đạo đức, nhân phẩm của người trực tiếp nuôi dưỡng. Tòa án sẽ xem xét đến yếu tố này khi quyết định quyền nuôi con. Người có tiền án, tiền sự sẽ gặp bất lợi khi xét theo yếu tố này.
Trong trường hợp nêu trên, Tòa án quyết định thay đổi quyền nuôi con bởi từ ngày được giao con, người mẹ không đến thăm con lần nào, đứa con vẫn ở với bố, do vậy Tòa án nhận định người mẹ không có tình cảm tha thiết với con. Bên cạnh đó, người mẹ hiện tại không có nơi cư trú rõ ràng, do vậy để không xáo trộn cuộc sống ổn định của đứa trẻ, Tòa án đã quyết định thay đổi quyền nuôi con.
Phán quyết của Tòa án trong trường hợp này là phù hợp bởi hiện nay người mẹ đã đi khỏi nơi cư trú, không biết đang ở đâu trong khi đó đứa trẻ đang sống ổn định với người cha. Tuy nhiên, phần nhận định của Tòa án về việc người mẹ không có tình cảm với con chỉ căn cứ vào những điểm như trong bản án là chưa toàn diện, mang tính chủ quan vì việc người mẹ không đến thăm con có thể do nhiều nguyên nhân khách quan khác chứ chưa chắc là đã không còn tình cảm tha thiết với con như bản án nhận định.
Với những vụ việc tương tự như thế này, luật sư của Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự khuyên các bên tự thỏa thuận với nhau. Nếu người đã được Tòa án giao quyền nuôi con nhưng không có đủ điều kiện để trực tiếp chăm nom con thì nên để người còn lại chăm sóc để đứa trẻ không bị thiệt thòi. Tuyệt đối không nên vì sự cố chấp, hiếu thắng mà tranh đấu đến cùng, như vậy người tổn thương nhất là con trẻ.
Ngược lại, nếu một bên được Tòa án giao quyền nuôi con nhưng bị bên kia ngăn cản, gây khó dễ cho việc thăm nom thì phải cương quyết và đấu tranh đến cùng:
- Thứ nhất, trong vụ án này, việc chị Ph ( người mẹ) không thăm nom con trong hơn 01 năm đã khiến Tòa án nhận định là chị không có tình cảm tha thiết với con, đẩy chị vào tình thế bất lợi khi tranh chấp quyền trực tiếp nuôi con. Theo quy định của pháp luật, sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên. Do vậy, kể cả khi con đã được giao cho đối phương nuôi dưỡng, cha/mẹ vẫn có quyền và nghĩa vụ trông nom con. Trường hợp người trực tiếp nuôi con cản trở người không trực tiếp nuôi con chăm sóc, thăm nom con thì người bị cản trở có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Thứ hai, khi được Tòa án giao quyền nuôi con, người cha/ người mẹ cần kiên quyết yêu cầu đối phương thi hành bản án. Trường hợp cần thiết, có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thi hành Bản án đối với phần quyền nuôi con chung, tránh trường hợp Bản án đã tuyên nhưng chỉ để đó không thi hành. Làm như vậy, một mặt sẽ giúp người cha/người mẹ thực hiện quyền của mình, mặt khác giúp đứa trẻ có thể sớm ổn định nơi ở, tránh chuyển đi chuyển lại nhiều lần. Quyền nuôi con được thay đổi theo hướng phù hợp với lợi ích của con, trong trường hợp này là điều kiện của bố tốt hơn và người mẹ cũng không thể hiện sự quan tâm tới con cái.
Trong các vụ án ly hôn, việc giành quyền nuôi con luôn là một “trận chiến” kéo dài căng thẳng từ phía hai bên. Để có thể giành lợi thế khi Tòa án phán xét quyền nuôi con, bạn phải đưa ra những lý lẽ, bằng chứng xác thực, chứng minh được khả năng mang lại lợi ích tốt hơn cho con (với con trên 36 tháng). Trường hợp gặp khó khăn khi ly hôn hoặc cần sự tư vấn, trợ giúp pháp lý từ phía luật sư, bạn có thể liên hệ với Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự thông qua địa chỉ: https://dichvulyhonhanoi.vn/ hoặc qua Hotline: 1900 599992 hoặc Zalo: 091 789 4567.
>> Có thể bạn quan tâm: