Đảng Cộng sản Việt Nam có những quy định riêng về xử lý những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân gia đình của những người là thành viên thuộc tổ chưc Đảng bởi việc Đảng viên vi phạm hôn nhân
Theo Quyết định 102-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ban hành ngày 15/11/2017, trong danh sách các lỗi vi phạm mà Đảng viên có thể gặp phải, có các vi phạm liên quan đến chính sách hôn nhân, gia đình. Tùy vào mức độ vi phạm, Đảng viên sẽ bị xử lý kỷ luật theo các hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc khai trừ.
Tuy nhiên, Đảng viên vi phạm một trong 5 lỗi sau sẽ không cần xem xét đến hậu quả, mức độ vi phạm sẽ bị khai từ ngay khỏi Đảng.
1. Vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.
(Được quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 24 Quy định 102-QĐ/TW năm 2017)
Luật Hôn nhân và gia đình có quy định về những điều kiện kết hôn, bên cạnh đó là những quy định cấm kết hôn tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 bao gồm:
Kết hôn giả tạo: Việc kết hôn giả tạo để nhằm các mục đích khác quy định tại khoản 11 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình là hành vi bị cấm. Điều này trái với nguyên tắc hôn nhân tiến bộ và là nguy cơ dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật khác về cư trú, nhập cư, ưu đãi…
Tảo hôn: Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này tức là nam chưa đủ 20 tuổi, nữ chưa đủ 18 tuổi. Quy định như vậy nhằm tránh những cuộc hôn nhân tan vỡ, không hạnh phúc do không đủ độ tuổi, chưa đủ nhận thức về hành vi.
Cưỡng ép kết hôn: Việc cưỡng ép kết hôn đi ngược với nguyên tắc của nhà nước là tạo điều kiện để nam, nữ xác lập hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, vợ chồng bình đẳng; xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc và thực hiện đầy đủ chức năng của mình.
Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ: Giữa những người có họ trong phạm vi ba đời: Về mặt khoa học thì việc kết hôn như trên sẽ có hệ quả là sinh ra những đứa con bị bệnh tật, dị tật.
Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi: giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng: Pháp luật Việt Nam quy định như vậy nhằm đảm bảo duy trì đạo đức gia đình và lối sống của người Việt.
Yêu sách, của cải trong kết hôn: kết hôn vì mục đích tài sản, không vì sự yêu thương, đồng cảm.
Ngoài những quy định cấm kết hôn sẽ bị khai trừ khỏi Đảng, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng như người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ sẽ bị xử lý khai trừ khỏi Đảng.
2. Ép buộc vợ (hoặc chồng), con làm những việc trái đạo lý, trái pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
(Được quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 24 Quy định 102-QĐ/TW năm 2017)
Hành vi ép buộc những thành viên trong gia đình là vợ/chồng, con làm những việc trái đạo lý, trái pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị khai trừ khỏi Đảng.
Việc ép buộc người khác làm những việc trái ý họ và vi phạm đạo đức, trái pháp luật thể hiện phẩm chất và đạo đức của người đó không tốt, không được tiếp tục đứng trong hàng ngũ của Đảng.
3. Từ chối thực hiện, không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cha mẹ, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.
(Được quy định tại điểm c, khoản 3 Điều 24 Quy định 102-QĐ/TW năm 2017)
Nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ, cho con sau khi ly hôn không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ của một người con, một người cha, người mẹ.
Việc từ chối và không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của mình cho cha mẹ, cho con là hành vi trái với đạo đức và lối sống người Việt, trái với pháp luật nếu như việc cấp dưỡng đó là do pháp luật quy định. Những người có hành vi như vậy sẽ bị khai trừ khỏi Đảng.
4. Hành vi bạo lực gia đình
(Được quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 32 Quy định 102-QĐ/TW năm 2017)
Cụ thể là những hành vi: hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc có hành vi khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên trong gia đình hoặc người có công nuôi dưỡng mình.
Những hành vị bạo lực và xúc phạm về thể chất, tinh thần những thành viên trong gia đình, những người có công nuôi dưỡng mình không chỉ vi phạm pháp luật mà còn thể hiện lối sống, đạo đức không tốt của người Đảng viên đó. Có những hành vi trên sẽ bị khai trừ khỏi Đảng.
5. Kết hôn với người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà biết người đó có hoạt động phạm tội nghiêm trọng, có thái độ hoặc hoạt động chống Đảng, Nhà nước
(Được quy định tại điểm b, khoản 3 Điều 25 Quy định 102-QĐ/TW năm 2017)
Việc kết hôn với những đối tượng có hành vị hoạt động phạm tội nghiêm trọng, có thái độ hoặc hoạt động chống Đảng, Nhà nước là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ bị khai trừ khỏi đảng. Quy định như vậy nhằm loại trừ các nguy cơ phá hoại Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Có thể thấy những quy định vi phạm về hôn nhân bị khai trừ khỏi đảng đều là những hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Việc loại bỏ những người có hành vi đó ra khỏi tổ chức nhằm giữ gìn và đảm bảo cho Đảng Cộng sản luôn vững mạnh.
Trên đây là những thông tin về các trường hợp Đảng viên vi phạm hôn nhân cho bạn tham khảo. Trường hợp có bất cứ thắc mắc nào về những quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này, hãy liên hệ trực tiếp tới Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự thông qua địa chỉ: https://dichvulyhonhanoi.vn/ hoặc qua Hotline: 1900 599992 hoặc Zalo: 091 789 4567 để được hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất.