Câu hỏi:
Xin chào luật sư! Em tên là Trâm, 27 tuổi, hiện đang làm nhân viên văn phòng. Em kết hôn được gần 2 năm. Sau khi kết hôn, chúng em chung sống với mẹ chồng (bố chồng đã mất) từ đó nảy sinh ra nhiều mâu thuẫn. Mẹ chồng em rất khó tính và không có thiện cảm với em. Bà luôn để ý và trách móc em từng chuyện nhỏ nhặt, cũng không bao giờ tâm sự hay trò chuyện vui vẻ với em khiến em thấy rất áp lực. luôn bị căng thẳng. Còn chồng em thì chỉ luôn bênh vực mẹ và đứng về phía mẹ, chưa bao giờ anh ấy lắng nghe và hiểu cho những khó khăn em gặp phải. Thậm chí còn luôn hiểu lầm, trách móc em rồi dần dần hờ hững với vợ. Em có nghĩ tới chuyện ly hôn nhưng không biết làm như vậy có thỏa đáng hay không, mong được các luật sư giải đáp, tư vấn. Em xin chân thành cảm ơn!
Luật sư trả lời:
Chào bạn Trâm! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho chúng tôi. Câu hỏi của bạn được chúng tôi giải đáp cụ thể như sau:
1. Làm sao để biết mẹ chồng thực sự không ưa con dâu hay chỉ là do bà khó tính?
Đối với những tình huống như thế này, bạn cần phải thật bình tĩnh để suy xét xem liệu giữa bạn và mẹ chồng có thực sự đang tồn tại một mâu thuẫn hay chỉ là do bà quá khó tính. Một người khó tính thường đặt ra yêu cầu rất cao về mọi việc và muốn người khác phải thực hiện theo, vì vậy, khi tiếp xúc thường xuyên với những người như vậy, bạn cũng sẽ có suy nghĩ rằng họ đang ác cảm với mình, nhưng thật ra lại không phải như vậy. Dưới đây là một số dấu hiệu thể hiện mẹ chồng đang có mâu thuẫn với con dâu:
- Mẹ chồng thường xuyên xét nét: khi bạn mới về làm dâu, mẹ chồng có thể để ý bạn nhiều hơn để chỉ bảo cho bạn những điều bạn chưa biết, những thói quen sinh hoạt chung, sở thích của mọi người trong gia đình. Tuy nhiên, đã qua một thời gian dài mà mẹ chồng vẫn tiếp tục để ý và bắt bẻ từng chuyện nhỏ bạn làm thì nó đã chuyển thành sự xét nét. Điều đó thể hiện mẹ chồng “không ưa” bạn, không hài lòng với mọi chuyện bạn làm nên mới không vừa ý.
- Xem thường con dâu: nhiều bà mẹ chồng không vừa ý với con dâu về học thức, gia thế, hoàn cảnh nên khi tiếp xúc hàng ngày, mẹ chồng thường tỏ thái độ xem thường, không tôn trọng con dâu, cho rằng con dâu không xứng với con trai mình, gia đình mình. Đây là mâu thuẫn không phải hiếm khiến nhiều chị em gặp rắc rối khó hòa hợp với mẹ chồng.
- Lời nói của mẹ chồng là nguyên nhân của những sự bất hòa giữa vợ chồng bạn: mẹ chồng không ưa con dâu tất nhiên không muốn cô ta được hạnh phúc, được con trai mình yêu chiều. Vì thế bà mẹ chồng này sẽ tìm mọi cách để hai vợ chồng bạn không có cơ hội gần gũi nhau, hiểu lầm nhau khiến xảy ra những mâu thuẫn, cãi vã và bất hòa. Nếu hai bạn thường xuyên cãi vã mà nguyên nhân từ những lời nói của mẹ chồng thì chắc chắn rằng bà không ưa gì bạn.
- Hay “tình cờ” nhắc đến người cũ của con trai: Mẹ chồng bạn rất hay “lỡ lời” nhắc đến những người yêu cũ trước kia của chồng bạn và khen họ trước mặt bạn như cô A nấu ăn ngon, cô B tính khéo léo…tất nhiên chẳng có sự tình cờ nào ở đây cả, mẹ chồng bạn chỉ muốn bạn ghen tuông và tức điên lên vì không bằng những người yêu cũ của chồng.
- Luôn giữ khoảng cách: khi mẹ chồng luôn nói chuyện kiểu cách khiến bạn cảm thấy không được thân thiết, điều đó chứng tỏ mẹ chồng bạn không có ý định muốn hòa hợp với bạn. Đó là cách để mẹ chồng bạn cho thấy bà luôn ở vị trí cao hơn và bạn không thể xích lại gần hay thân thiết hơn được.
- Hay im lặng: Khi mẹ chồng lờ bạn đi dù bạn có cố gắng kết nối trò chuyện chứng tỏ bà đang muốn truyền tải thông điệp rõ ràng mẹ chồng không ưa bạn. Vì thế, khi mẹ chồng thường tránh nhắc đến bạn, không muốn nhờ vả hay sai bảo gì bạn, không tham gia với bạn về bất cứ vấn đề gì dù đang sống chung chứng tỏ bà đang có mâu thuẫn rất lớn với bạn.
2. Cách cải thiện quan hệ mẹ chồng – nàng dâu
Mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu trong văn hóa Việt Nam trước giờ luôn là một trong những vấn đề “kinh điển” mà nhiều chị em phụ nữ gặp phải khi kết hôn và sống chung. Chẳng thế mà bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” khắc họa những mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu lên đến đỉnh điểm đã khiến dư luận một thời gian dậy sóng. Tuy nhiên, ly hôn vì mẹ chồng quả là lý do khiến chị em không cam tâm. Thực tế thì dù có nhiều mâu thuẫn, bằng mặt nhưng không bằng lòng song chẳng mấy trường hợp ly hôn vì mẹ chồng. Khi mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu gặp sóng gió, những cách giúp bạn cải thiện được mối quan hệ này là:
- Luôn giữ thái độ lễ phép với mẹ chồng: Dù mẹ chồng bạn có đối xử với bạn như thế nào, dù bà mẹ chồng có cố tỏ ra trịnh thượng và coi thường bạn ra sao thì đó cũng làm mẹ của chồng bạn và cũng là người bạn phải gọi bằng mẹ chứ không phải bất cứ danh xưng nào khác. Với người lớn tuổi hơn, sự lễ phép khi cư xử là lẽ đương nhiên, với mẹ chồng lại càng phải vậy. Mẹ chồng càng không ưa bạn, bạn càng lễ phép và biết điều thì lấy đâu lý do cho bà ghét bỏ, kiếm chuyện? Đừng nghe những tuyên ngôn nữ quyền, mưu cầu hạnh phúc bằng cách cãi mẹ chồng ngang hàng như bạn đồng lứa của mấy chị em chứng tỏ mình không vừa trên mạng xã hội nếu không muốn mẹ chồng có cớ đẩy bạn ra khỏi nhà và khiến cho chồng bạn thất vọng hay khó xử khi phải đứng giữa hai người.
- Tìm hiểu lý do mẹ chồng không ưa bạn: Khó mà có ai tự nhiên ghét mình mà không có lý do gì. Với mẹ chồng, bạn hãy khéo léo để tìm hiểu xem điều gì khiến mẹ chồng không thích ở bạn từ đó có cách giải quyết hợp lý.
- Lắng nghe ý kiến của mẹ chồng: Bạn nên tỏ thái độ cầu thị khi được mẹ chồng bảo bạn điều gì. Đừng giữ quan điểm cho rằng mẹ chồng lạc hậu hay không hiện đại. Tỏ vẻ coi thường kinh nghiệm và kiến thức của bà chỉ khiến mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu khó mà cứu vãn. Khi nói chuyện cùng mẹ chồng, bạn nên đóng vai người nghe nhiều hơn,ít đưa ra những ý kiến và đôi khi hãy dành sự cảm thán, đồng tình với mẹ chồng để bà cảm thấy thoải mái và được coi trọng.
- Không đổ lỗi: Trong mọi cuộc tranh cãi, đừng bao giờ cố đi đến cùng, “ăn thua” đủ với mẹ chồng để tìm được ai đúng ai sai. Dù bạn có chứng tỏ mình đúng thì cũng chỉ khiến mẹ chồng thêm khó chịu hơn với bạn.
Một giải pháp hiệu quả nhất trong việc cải thiện mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu chính là người chồng. Từ chia sẻ của bạn, có thể thấy mẹ chồng bạn phụ thuộc vào con trai, dành nhiều tình cảm cho con trai khi chồng đã mất. Vì thế, khi có con dâu, con trai không còn là của một mình bà nữa khiến mẹ chồng bạn cảm thấy hụt hẫng từ đó có những hành động mâu thuẫn với bạn.
Hãy nói chuyện với chồng để nhờ anh ta cải thiện mối quan hệ. Hãy phân tích cho chồng bạn hiểu rằng bạn cũng cần nhận được sự cảm thông và chia sẻ. Bạn có thể nhờ người thân hay bạn bè thân thiết của cả hai tâm sự và phân tích đúng sai cho chồng, như vậy sẽ khiến chồng bạn có cái nhìn khách quan hơn. Bạn nên nhấn mạnh với chồng rằng bạn là người yêu quý mẹ chồng và sẵn sàng muốn chung sống hòa hợp.
Nên khéo léo lôi kéo chồng về phía mình vì nếu bạn nhất quyết phân định đúng sai chỉ khiến bạn tự tách khỏi gia đình khi không có ai đừng về phía bạn. Hãy để chồng cảm nhận được thái độ tích cực và nỗ lực hòa nhập của bạn với mẹ chồng sau đó nhẹ nhàng nhờ vả chồng trao đổi những điều bạn cảm thấy chưa phù hợp. Bạn có thể sẽ thiệt thòi một chút trong trường hợp này song hãy nhẫn nại làm tròn bổn phận của mình chứ không nên chán nản hay bất mãn.
3. Khi nào nên ly hôn?
Trên thực tế, nhiều người con dâu cũng đã phải ly dị vì người mẹ chồng quá quắt lại thêm người chồng nhu nhược. Từ đó có thể thấy rằng khi mâu thuẫn mẹ chồng- nàng dâu lên đến đỉnh điểm, không thể dung hòa thì ly hôn là giải pháp tốt. Vậy khi nào bạn nên nghĩ tới việc ly hôn?
Khi mà bạn cảm thấy không được mẹ chồng coi trọng dù bạn luôn cố gắng lễ phép, dành tình cảm thật tâm của mình để đối đã mà mẹ chồng vẫn coi thường bạn thì chứng tỏ dù bạn có cố gắng bao nhiêu cũng không thể dung hòa. Trong những mâu thuẫn mẹ chồng- nàng dâu, thái độ của người chồng chính là mấu chốt để bạn có quyết định ly hôn hay không:
- Nếu chồng bạn yêu thương, bênh vực bạn, biết rằng mẹ mình đã có những hành động không đúng và không đổ lỗi cho vợ, bạn có thể tin tưởng và tiếp tục chung sống dù phải chịu thiệt một chút. Bạn cũng có thể đề nghị ở riêng để bớt va chạm hơn.
- Nếu chồng bạn là người nhất nhất coi trọng mọi lời nói của mẹ, không phân biệt đúng sai, bắt bạn phục tùng mẹ chồng lại không có phản ứng khi bạn bị coi thường…thì bạn nên ly hôn để giải thoát cho mình. Khi không được cả chồng và mẹ chồng ủng hộ, quan tâm, bạn khó mà có được cuộc hôn nhân hạnh phúc. Có chăng chỉ là những uất ức, căng thẳng kéo dài.
Khi muốn ly hôn trong trường hợp trên, bạn có thể thỏa thuận với chồng để làm đơn ly hôn thuận tình hoặc ly hôn đơn phương nếu như bạn đã không thể chịu đựng được thêm mà chồng không đồng ý ly hôn. Khi ly hôn đơn phương, bạn nên làm rõ căn cứ ly hôn là chồng không thực hiện nghĩa vụ làm chồng, không giúp đỡ, chia sẻ quan tâm bạn để giúp bạn hòa giải những mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu khiến bạn bị căng thẳng mệt mỏi, không đạt được mục đích hôn nhân là xây dựng gia đình hạnh phúc, vợ chồng quan tâm, yêu thương và chia sẻ cho nhau…
Các luật sư tư vấn ly hôn và chuyên viên tư vấn của Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự là những người đã có nhiều kinh nghiệm khi giải quyết các vụ án ly hôn trong thực tế sẽ cho bạn những lời khuyên chính xác, giúp bạn giành được lợi thế khi ly hôn. Sự tận tâm và hiệu quả là những gì mà của Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự sẽ đảm bảo cho bạn khi sử dụng dịch vụ tư vấn ly hôn.
Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự
Địa chỉ: Số 03 đường Trung Yên 3, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Hotline: 1900 599992
Zalo: 091 789 4567
Email: luatsulehonghien@gmail.com