Câu hỏi:
Thưa luật sư. Tôi tên là Yến, 32 tuổi, hiện đang làm việc tại Hà Nội. Tôi kết hôn khá muộn năm 30 tuổi qua sự giới thiệu của người thân. Do đã nhiều tuổi nên tôi cũng cứ thế đồng ý kết hôn sau 2 tháng tìm hiểu. Khi lấy chồng về rồi tôi mới nhận ra, chúng tôi không hợp nhau trong mọi chuyện. Từ khẩu vị đến thói quen, hành động…đều trái ngược nhau nên chúng tôi rất hay xảy ra mâu thuẫn. Điều đó khiến tôi thường xuyên căng thẳng, stress, không muốn về nhà hay nói chuyện với chồng. Tôi băn khoăn không biết có nên ly hôn hay là không vì chúng tôi có 1 con chung mới hơn 1 tuổi mong được luật sư tư vấn. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Luật sư trả lời:
Chào bạn Yến! Vấn đề vợ chồng không hợp nhau là nguyên nhân phổ biến của những cuộc cãi vã trong nhiều gia đình hiện nay. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cụ thể như sau:
1. Dấu hiệu cho thấy vợ chồng không hợp nhau
Thế nào là “không hợp nhau”? Có rất nhiều định nghĩa cũng như nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Không hợp nhau thể hiện sự không đồng điệu về tâm hồn, sở thích, có những suy nghĩ, hành động trái ngược nhau, có những cách nhìn nhận về sự việc khác nhau và tất nhiên là cách nhìn của người này xung đột với người kia.
Có người nhạy cảm và tinh tế, mỗi lời nói, hành động đều suy nghĩ kỹ càng trong khi đối phương lại là người nói không suy nghĩ tất nhiên dẫn đến sự xung đột; người thích sự náo nhiệt ồn ào, người muốn tìm chỗ thanh tĩnh vắng vẻ tất nhiên là không thể hòa hợp trong một không gian; người thích quan tâm và kết giao bạn bè, người chỉ muốn thu mình với những cảm xúc riêng tất nhiên cũng khó mà hợp…Khi có quá nhiều thứ không hợp sẽ không tránh khỏi những mâu thuẫn, nhất là khi bước vào đời sống hôn nhân, ngày nào cũng gặp mặt nhau.
- Không muốn trò chuyện cùng nhau: trò chuyện ở đây là chia sẻ với nhau về những quan điểm trước các sự việc xảy ra. Đó có thể là sự chia sẻ về một vấn đề xảy ra với người thân quen hoặc những công việc hàng ngày… Tuy nhiên, nếu vợ chồng không hợp nhau thì những cuộc trò chuyện như thế này sẽ hiếm khi diễn ra. Người ta chia sẻ và trò chuyện với nhau khi muốn tìm được sự đồng cảm hoặc những ý kiến chung. Thế nên, khi không hợp nhau, hai bạn sẽ không có sự tương đồng và không ai muốn trò chuyện với người luôn có suy nghĩ trái ngược với mình cả hoặc dù có nói chuyện với nhau thì cũng khó mà thống nhất được.
- Hay cãi vã: do không có nhiều điểm tương đồng nên hầu như hai người xung đột với nhau về mọi chuyện. Những cãi vã vì thế là không thể thiếu do không thể tìm được điểm chung khi vợ chồng quyết định bất cứ vấn đề gì. Vợ chồng bạn dường như có thể cãi nhau trong mọi chuyện như đồ ăn, màu sơn tường, chuyện mua đồ nội thất, chuyện họ hàng, gia đình…Những cuộc cãi vã vì thế không biết khi nào mới có thể chấm dứt làm hai bên căng thẳng, mệt mỏi, cứ tiếp tục trong cái vòng luẩn quẩn bế tắc.
- Chỉ thấy điểm yếu của nhau: khi không hợp nhau về mọi mặt, người ta rất dễ để nhìn thấy điểm yếu của nhau. Bạn sẽ thấy người chồng của mình không có điểm gì tốt và ngược lại người chồng của bạn cũng vậy. Tính cách khác biệt nên điều gì ở đối phương cũng làm bạn thấy không vừa mắt, không đúng với ý mình, từ đó khó mà có sự cảm thông cho nhau.
Từ đó, có thể thấy rằng, khi vợ chồng không hợp nhau, chuyện tưởng dễ dàng nhưng khó mà hàn gắn và duy trì hôn nhân hạnh phúc. Quan hệ hôn nhân lâu dài bắt nguồn từ sự đồng điệu trong tâm hồn và thể xác nên nếu hai người không thể hòa hợp trong mọi chuyện thì khó mà có thể xây dựng hôn nhân bền vững.
2. Có nên vì con mà không ly hôn?
Như chia sẻ, bạn đã có một con chung nên khá lăn tăn khi nghĩ tới việc ly hôn. Thực tế, đây cũng là diễn biến tâm lý bình thường. Người mẹ nào cũng yêu thương và mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con mình, muốn con có được cuộc sống đầy đủ cả về vật chất và tinh thần, có cả bố và mẹ cùng nuôi dưỡng, chăm sóc. Vì vậy, nhiều phụ nữ không muốn ly hôn ngay cả khi hôn nhân không hạnh phúc với lý do: nghĩ cho con nhưng thực tế có đúng như vậy không?
Không phải cứ có đủ cả bố và mẹ mới có thể nuôi nấng con trưởng thành tốt. Nếu như bố mẹ không hợp nhau suốt ngày cãi vã, lạnh nhạt với nhau sẽ ảnh hưởng không tốt đến tinh thần của trẻ nhỏ. Bé cũng không học được những thói quen tốt, chắc chắn không cảm thấy có một gia đình hạnh phúc dù có đủ cả bố và mẹ. Dù vợ chồng bạn có cố thể hiện và không cãi vã trước mặt con thì đến một lúc nào đó, con bạn cũng sẽ nhận ra sự lạnh nhạt mà hai bạn dành cho nhau.
3. Ly hôn nếu không thể cải thiện mối quan hệ
Khi không hợp nhau, hai bạn khó mà có thể xây dựng tình cảm lâu dài. Cuộc đời rất dài, liệu các bạn có thể cố gắng nhẫn nhịn nhau trong bao lâu? Những căng thẳng, mệt mỏi sẽ khiến các bạn nhanh chóng gục ngã. Hơn nữa, không thể hòa hợp, không nhìn được những điểm tốt của nhau sẽ khiến hai bạn chán nản, rất dễ có những thay đổi trong tình cảm khi tìm thấy người hợp với mình.
Nếu không thể cải thiện mối quan hệ, sự nhường nhịn nhau trong chốc lát chỉ khiến các bạn thêm dồn nén, khó chịu thì ly hôn sẽ là một giải pháp tốt. Bạn có thể bàn với chồng để cả hai ly hôn thuận tình theo quy định từ điều 55 Luật Hôn nhân gia đình 2014. Các bạn phải thỏa thuận được về chia tài sản khi ly hôn và quyền nuôi con sau đó nhờ Tòa án công nhận sự thỏa thuận:
“Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”
Nếu như bạn đã cảm thấy quá mệt mỏi, không muốn tiếp tục hôn nhân những người chồng không đồng ý ly hôn, bạn có thể chấm dứt hôn nhân bằng cách nộp đơn ly hôn đơn phương theo khoản 1 Điều 56 luật hôn nhân và gia đình 2014:
“Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”
Với quyền nuôi con, con của bạn dưới 36 tháng tuổi nên theo quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình thì bạn là người có quyền nuôi con khi ly hôn:
“Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Để có thể có lợi trong việc giành tài sản và quyền nuôi con khi ly hôn, bạn nên tham khảo sự trợ giúp pháp lý từ luật sư. Các luật sư tư vấn ly hôn và chuyên viên tư vấn của Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự là những người đã có nhiều kinh nghiệm về các thủ tục ly hôn sẽ cho bạn những lời khuyên chính xác nhất và sự trợ giúp pháp lý có lợi nhất.
Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự
- Địa chỉ: Số 03 đường Trung Yên 3, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
- Hotline: 1900 599992
- Zalo: 091 789 4567
- Email: luatsulehonghien@gmail.com