Thủ tục ly hôn có yếu tố người nước ngoài

Những năm gần đây, người Việt kết hôn với người nước ngoài gia tăng. Kéo theo đó, các vụ việc ly hôn có yếu tố người nước ngoài cũng là vấn đề được nhiều người đặc biệt quan tâm. 

Ly hôn với người nước ngoài là vấn đề đang được nhiều người quan tâm

1. Các trường hợp được xem là ly hôn có yếu tố nước ngoài

Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về ly hôn có yếu tố nước ngoài như sau:

  1.  Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.
  2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
  3. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.”

Lưu ý: Thế nào là “có yếu tố nước ngoài”?

Khoản 2, điều 464 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về “vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài” như sau:

“2. Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a. Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài;

b. Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;

c. Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.”

Như vậy, kết hợp các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có thể hiểu “ly hôn có yếu tố nước ngoài”  là quan hệ ly hôn bao gồm các trường hợp:

  • Giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài;
  • Giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam;
  • Giữa người Việt Nam với nhau nhưng kết hôn ở nước ngoài được pháp luật nước ngoài công nhận sau đó về Việt Nam xin ly hôn;
  • Giữa vợ, chồng là công dân Việt Nam nhưng đang không cùng thường trú ở Việt Nam mà cùng thường trú ở nước ngoài tại thời điểm yêu cầu ly hôn. Ví dụ: vợ, chồng có quốc tịch Việt Nam nhưng đang cùng thường trú ở Nhật Bản tại thời điểm yêu cầu ly hôn. Khi đó, việc ly hôn sẽ được giải quyết theo luật pháp của Nhật Bản chứ không phải của Việt Nam.
  • Tài sản là bất động sản liên quan đến việc ly hôn đang ở nước ngoài. Chẳng hạn như vợ, chồng Việt Nam sở hữu bất động sản tại Mỹ trong thời kỳ hôn nhân. Khi ly hôn, việc chia tài sản này được giải quyết theo luật pháp của Mỹ.

2. Thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài

Theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 37 BLTTDS 2015 và điều 39 BLTTDS 2015 về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ thì thẩm quyền giải quyết các vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi mà bị đơn cư trú và làm việc.

Trường hợp ly hôn giữa công dân Việt Nam và công dân nước láng giềng cư trú ở khu vực biên giới thì do Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam giải quyết.

Các đương sự còn có thể thỏa thuận Tòa án nơi mà nguyên đơn đang cư trú và làm việc để giải quyết. Trường hợp ly hôn thuận tình thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án của một trong các bên thuận tình ly hôn.

Nếu nguyên đơn không biết được nơi làm việc hay cư trú của bị đơn thì căn cứ điểm a, c khoản 1 Điều 40 BLTTDS 2015:

“1. Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây:

  1. Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;

……

  1. Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;”

Theo đó, nguyên đơn có quyền lựa chọn một Tòa án có thẩm quyền để giải quyết.

3. Quyền nuôi con khi ly hôn theo pháp luật Việt Nam

Quyền nuôi con khi ly hôn có yếu tố nước ngoài

Quyền nuôi con khi ly hôn với người nước ngoài quy định bởi luật pháp Việt Nam

Với những vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài do Tòa án Việt Nam giải quyết, quyền nuôi con được quy định tại khoản 2, 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

“2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

  • Trường hợp con dưới 36 tháng tuổi: do người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng trừ khi cha, mẹ có thỏa thuận khác và người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Điều kiện ở đây có thể hiểu là các yếu tố về kinh tế, môi trường sống, tinh thần…ảnh hưởng tới sự phát triển của con.
  • Trường hợp con từ đủ 36 tháng tuổi và dưới 07 tuổi: việc nuôi con do vợ, chồng thỏa thuận với nhau. Nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ căn cứ vào lợi ích mọi mặt của con để giao cho một bên nuôi dưỡng.
  • Trường hợp con từ đủ 07 tuổi trở lên: khi con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con rằng con muốn chung sống với ai từ đó quyết định quyền nuôi con.

4. Hồ sơ, thủ tục khi ly hôn với người nước ngoài

4.1. Đối với Ly hôn đơn phương

Hồ sơ gồm:

  • Đơn khởi kiện ly hôn đơn phương;
  • Bản chính Giấy đăng ký kết hôn;
  • Bản sao chứng thực Sổ hộ khẩu;
  • Bản sao chứng thực Chứng minh thư nhân dân/thẻ căn cước công dân/hộ chiếu của vợ và chồng;
  • Bản sao chứng thực Giấy khai sinh của con;
  • Tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản yêu cầu phân chia như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy đăng ký xe…

Trình tự như sau:

  • Bước 1: Người khởi kiện là chồng hoặc vợ nộp hồ sơ khởi kiện về việc xin ly hôn đơn phương tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bị đơn cư trú, làm việc.
  • Bước 2: Tòa án sẽ kiểm tra đơn khởi kiện và ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí cho người nộp đơn trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ.
  • Bước 3: Căn cứ thông báo của Tòa án, đương sự nộp tiền tạm ứng án phí tại Chi cục thi hành án dân sự cấp tỉnh và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.
  • Bước 4: Tòa án thụ lý vụ án, tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục ly hôn đơn phương và ra Bản án hoặc Quyết định có hiệu lực của Tòa án.

4.2.  Đối với Ly hôn thuận tình

Hồ sơ gồm:

  • Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn;
  • Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
  • Bản sao chứng thực Giấy khai sinh các con;
  • Bản sao chứng thực  Chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu của vợ và chồng;
  • Bản sao chứng thực Sổ hộ khẩu;
  • Các tài liêu, chứng cứ khác kèm theo: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy chứng nhận đăng ký xe,…

Trình tự như sau:

  • Bước 1: Đương sự nộp hồ sơ tại TAND cấp tỉnh nơi vợ, chồng thường trú.
  • Bước 2: Nếu hồ sơ hợp lệ và đúng thẩm quyền, Tòa án thụ lý đơn và ra thông báo cho đương sự nộp tiền tạm ứng án phí.
  • Bước 3: Đương sự nộp án phí cùng biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.
  • Bước 4:  Tòa án triệu tập các đương sự và tiến hành thủ tục theo quy định pháp luật.

Trong trường hợp vắng mặt giải quyết như thế nào?

Trường hợp đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì giải quyết theo quy định tại Điều 228 BLTTDS 2015 như sau:

“Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án trong các trường hợp sau đây:

  1. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện của họ vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.
  2. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa nhưng có người đại diện tham gia phiên tòa.
  3. Các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 227 của Bộ luật này.”

Trong trường hợp đương sự ở nước ngoài thì Tòa án sẽ ủy thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án ở nước ngoài để tiến hành việc liên quan  đến tố tụng dân sự ở nước ngoài.

5. Ly hôn với người nước ngoài mất bao lâu?

  • Thời gian giải quyết thuận tình ly hôn: Khoảng từ 1 đến 4 tháng.
  • Thời gian giải quyết đơn phương ly hôn: Khoảng từ 4 đến 6 tháng (cấp sơ thẩm). Nếu bị đơn vắng mặt hoặc có tranh chấp tài sản chung thì thời gian này có thể được gia hạn. Cấp sơ thẩm có kháng cáo thì thời gian giải quyết theo thủ tục phúc thẩm thường kéo dài khoảng từ 3 đến 4 tháng.
  • Trong trường hợp bị đơn vắng mặt thì thời gian giải quyết ly hôn sẽ kéo dài từ 12 – 24 tháng do Tòa án phải tiến hành thủ tục ủy thác tư pháp.
Thời gian ly hôn

Thời gian ly hôn do tòa án quyết định tùy thuộc vào từng trường hợp

6. Ủy quyền luật sư ly hôn

Ly hôn có yếu tố nước ngoài chưa bao giờ là một vấn đề dễ dàng giải quyết vì có rất nhiều vướng mắc trong các quy định pháp luật và thủ tục. Bạn khó mà có thể nắm hết các quy định cũng như trình tự thủ tục khi ly hôn trong các vụ án có yếu tố nước ngoài. Vì vậy, việc tham khảo sự tư vấn từ chuyên viên pháp lý hay luật sư là điều vô cùng cần thiết. Những lợi ích và lý do nên mời luật sư tư vấn ly hôn bạn có thể tham khảo tại bài viết: Luật sư tư vấn ly hôn.

Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự

Địa chỉ: Số 3 đường Trung Yên 3, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

Hotline tư vấn miễn phí 24/24: 1900 599992.

Email: luatsulehonghien@gmail.com

Xem thêm các nội dung về Ly hôn với người nước ngoài:

Facebook Comments
Thủ tục ly hôn có yếu tố người nước ngoài
5 (100%) 2 votes

Dịch vụ ly hôn Hà Nội - HÃNG LUẬT LÊ HỒNG HIỂN & CỘNG SỰ

0913831789