Bằng chứng giành quyền nuôi con trước tòa: Cần phải hợp lý
- 11/04/2019
- 4698
Những xung đột trong quá trình tranh giành quyền nuôi con khi ly hôn là một vấn đề khiến các bên gặp khó khăn vì ai cũng muốn là người được trực tiếp nuôi dưỡng con. Khi đó, các bằng chứng cho thấy bản thân hơn hẳn đối phương trong việc đảm bảo mọi quyền lợi cho con sẽ giúp bạn giành được lợi thế. Tuy vậy, không phải bằng chứng nào cũng được Tòa án chấp nhận. Bằng chứng cần phải có căn cứ và hợp pháp. Vụ việc dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
1. Tóm tắt vụ việc
Vụ việc thuộc Bản án số: 09/2019/HNGĐ-PT do Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa giải quyết. Nguyên đơn là chị Nguyễn Thị H. Chỗ ở hiện nay: Thôn A, xã D, huyện T, tỉnh Thanh Hóa. Bị đơn là anh Khương Sỹ Đ. Chổ ở hiện nay: Thôn B, xã D, huyện T, tỉnh Thanh Hóa.
Nguyên đơn là chị Nguyễn Thị H trình bày như sau:
Chị và anh Đ kết hôn trên cơ sở tự nguyện, có đăng ký kết hôn ngày 06/4/2015 tại UBND xã D, huyện T. Ngày 12/9/2015, chị sinh được 01 con chung là cháu T. Vợ chồng sống hòa thuận hạnh phúc một thời gian ngắn thì phát sinh mâu thuẫn, nguyên nhân do anh Đ thường xuyên bài bạc, rượu chè xuyên đêm, chị khuyên bảo anh Đ không nghe mà mẹ chồng và chồng còn có lời lẽ thiếu xúc phạm và đuổi chị ra khỏi nhà. Cuối năm 2018, nhận thấy tình cảm vợ chồng không còn, chị đề nghị Tòa án giải quyết cho chị được ly hôn với anh Đ. Về tài sản, chị không yêu cầu Tòa án giải quyết. Về con chung, chị muốn được quyền trực tiếp nuôi cháu T.
Nguyên đơn là anh Khương Sỹ Đ trình bày như sau:
Về hôn nhân, anh thống nhất như chị H trình bày, tại phiên hòa giải ngày 04/6/2018, vợ chồng đã thống nhất thuận tình ly hôn, nay anh thống nhất đồng ý ly hôn. Về con chung, anh thống nhất vợ chồng có một con chung như chị H trình bày. Khi vợ chồng ly thân, chị H mang con theo để nuôi nhưng do chị H bận đi làm cả ngày nên ít có thời gian dành cho việc chăm sóc dẫn đến con bị ốm sốt. Anh phải đến mang con đi trạm xá thăm khám và yêu cầu chị H mua thuốc điều trị cho con nhưng chị H vẫn không mua thuốc chữa trị cho con dẫn đến con bị ốm nặng, anh phải mang con về trực tiếp chăm sóc điều trị. Khoảng từ giữa năm 2017 đến nay chị H không thăm nom quan tâm gì đến con nữa, hiện tại anh và mẹ anh chăm sóc nuôi dưỡng cháu T khỏe mạnh sinh hoạt học tập tốt. Nay vợ chồng ly hôn anh yêu cầu tiếp tục nuôi con, thu nhập của anh đủ điều kiện nuôi con nên không yêu cầu chị H đóng góp để nuôi con.
Toà án nhân dân huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa (toà án cấp phúc thẩm) quyết định giao cháu T cho anh Đ nuôi dưỡng. Không đồng ý với quyết định nêu trong bản án của tòa án cấp sơ thẩm, chị H đã tiến hành kháng cáo giành lại quyền nuôi con.
Tại phiên toà phúc thẩm, chị H thừa nhận từ khi vợ chồng ly thân chị có mang con theo nuôi dưỡng. Khi cháu T bị ốm, do chị mới đi làm, kinh tế và nơi ăn chỗ ở khó khăn nên con bị ốm nên anh Đ phải mang cháu về chăm sóc. Thời gian đầu chị có đến thăm hỏi động viên con nhưng bà nội không cho thăm, sau này cháu T không theo chị nên từ giữa năm 2017 đến nay chị không đến thăm con nữa. Hiện tại chị có công việc và thu nhập ổn định 5 triệu đồng một tháng. Chị đang phải đi thuê chỗ ở, kinh tế còn khó khăn nhưng nếu được giao nuôi con chị sẽ thuê người giúp việc trông con và cố gắng nuôi con tốt.
Tòa án đã xét những điều kiện của hai bên trong việc đảm bảo mọi quyền lợi tốt nhất cho con và nhận định như sau:
Từ những gì chị H đã nêu, điều kiện hiện tại của chị H là khó khăn như chưa có chỗ ở ổn định đang phải ở trọ. Mẹ chị H già yếu, ở xa không có điều kiện giúp đỡ chị trông con, nếu được nuôi con thì phải thuê người chăm sóc con trong khi đó thu nhập còn thấp. Hơn nữa, nếu được nuôi con chị H lại không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con.
Trong khi đó, Anh Đ có thu nhập bình quân 14 triệu đồng một tháng, có nơi ăn ở ổn định, gia đình anh Đ chỉ có hai mẹ con, mẹ anh Đ còn trẻ, khỏe có điều kiện giúp đỡ anh Đ chăm sóc con, điều kiện của anh Đ đúng thực tế, phù hợp với tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, phù hợp với tài liệu chứng cứ Tòa án xác minh thu thập và phù hợp với kết quả tranh luận, phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa.
Do đó, để ổn định cuộc sống của cháu T, Toà án không chấp nhận kháng cáo của chị H xin thay đổi nuôi con.
2. Nhận định từ luật sư
Điểm đặc biệt của vụ án này là chị H kháng cáo muốn giành lại quyền nuôi con nhưng lại không đưa ra và chứng minh được điều kiện nuôi con của mình tốt hơn chồng. Mặc dù chị có đưa ra những giải pháp để khắc phục khó khăn về điều kiện chăm sóc con của mình là thuê người giúp việc, tăng ca nhưng dựa trên điều kiện kinh tế, nơi ở của chị thì việc thuê người giúp việc là rất khó thực hiện, việc tăng ca sẽ rút ngắn thời gian chăm sóc con cái. Bởi vậy Tòa án cấp phúc thẩm đã không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của chị H.
Trong vụ án trên, có thể thấy Tòa án mới chỉ xem xét điều kiện vật chất của chị H và anh Đ mà chưa xem xét đến điều kiện tinh thần (đạo đức, lối sống, trình độ, …) của bố mẹ cháu Đ.
Đối với vụ việc của chị H, muốn giành quyền nuôi con thì chị phải chỉ ra và chứng minh được mình có điều kiện nuôi dưỡng con cái (gồm điều kiện vật chất lẫn tinh thần) tốt hơn so với anh Đ. Bên cạnh việc tìm ra những ưu thế của mình thì chị cũng cần chỉ ra và chứng minh các yếu tố bất lợi của chồng. Cụ thể: anh Đ tuy có điều kiện vật chất tốt nhưng lại chưa phải là người chồng tốt, người cha gương mẫu (cờ bạc, rượu chè, mắng chửi vợ, để con cho ông bà nuôi), điều này ảnh hưởng xấu đến việc hình thành nhân cách của cháu T. Để chứng minh được điều này có thể lấy ý kiến của hàng xóm, họ hàng, chính quyền địa phương.
Chị H đã mắc sai lầm trong việc đưa ra những điểm có lợi của bản thân. Những giải pháp khắc phục khó khăn về điều kiện nuôi con mà chị đưa ra không những không có lợi cho chị mà còn làm tăng sự bất lợi của chị so với chồng. Cụ thể: Chỉ với thu nhập 5 triệu đồng/tháng, để chi trả cho việc thuê nhà, đi lại và ăn uống đã rất khó khăn nên phương án thuê thêm người giúp việc là hoàn toàn không khả thi. Việc chị nói mình sẽ tăng ca lại vô tình cho thấy chị sẽ có rất ít thời gian chăm lo cho cháu T, nhất là khi cháu vẫn đang còn nhỏ (3 tuổi). Chị H lại không yêu cầu anh Đ cấp dưỡng nên điều kiện nuôi con của chị lại càng khó khăn.
Với những trường hợp giống chị H, luật sư sẽ tư vấn cho khách hàng cách trình bày với Tòa án sao cho hiệu quả (Trình bày nội dung gì, không trình bày nội dung gì, trình bày như thế nào), giúp khách hàng lựa chọn, thu thập chứng cứ hợp pháp và có lợi cho mình, bất lợi cho đối phương. Việc tìm đến luật sư trong những trường hợp như thế này là cần thiết để khách hàng không bị tốn thời gian và tiền bạc của mình một cách vô ích. Luật sư tư vấn ly hôn là những người có kinh nghiệm giải quyết những vụ án tương tự trong thực tế và có kiến thức pháp luật chắc chắn nên sẽ giúp bạn giải quyết vụ việc của mình một cách nhanh chóng và có lợi nhất.
Trong trường hợp gặp khó khăn khi ly hôn và giành quyền nuôi con hoặc có bất cứ thắc mắc nào cần giải đáp liên quan đến thủ tục ly hôn, hãy liên hệ trực tiếp tới Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự thông qua địa chỉ: https://dichvulyhonhanoi.vn/ hoặc qua Hotline: 1900 599992 hoặc Zalo: 091 789 4567.