Đảng viên không đăng ký kết hôn có bị xử phạt không?
- 23/01/2019
- 4387
Câu hỏi:
Chào luật sư! Tôi là Phan.T.T, 34 tuổi. Tôi làm việc trong cơ quan nhà nước và đã được kết nạp vào Đảng. Tôi đã kết hôn cách đây 7 năm nhưng vì không hòa hợp với chồng, cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc nên sau đó tôi đã ly dị. Nửa năm trở lại đây, tôi gặp 1 người đàn ông là anh K, chúng tôi rất hợp nhau và yêu thương thật lòng nên đã dọn về sống chung một nhà. Tuy nhiên, chúng tôi chưa đăng ký kết hôn. Mới đây tôi phát hiện mình có thai. Tôi khá lo lắng không biết trường hợp của mình như vậy có bị xử phạt không mong được luật sư tư vấn. Tôi xin chân thành cảm ơn!
1. Quy định của pháp luật về việc Đảng viên không đăng ký kết hôn
Từ chia sẻ của bạn, có thể thấy bạn và người đàn ông là anh K kia đã cùng sống với nhau tại một mái nhà, sinh hoạt vợ chồng và bạn đã có thai. Trường hợp của bạn chính là chung sống như vợ chồng theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014.
Điều 24 Quyết định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 về việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm có nêu các cách thức xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm quy định về hôn nhân và gia đình như sau:
Điều 24. Vi phạm quy định về hôn nhân và gia đình
1- Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
a) Cản trở kết hôn, ly hôn trái pháp luật hoặc để con tảo hôn.
b) Trốn tránh nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con, lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên.
c) Cản trở người không trực tiếp nuôi con thăm nom con sau khi ly hôn (trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án).
d) Trốn tránh, không thực hiện nghĩa vụ giám hộ sau khi đã làm thủ tục công nhận giám hộ tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.
đ) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giả mạo giấy tờ để đăng ký nuôi con nuôi.
2- Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):
a) Vi phạm trong việc sửa chữa, làm sai lệch nội dung hoặc giả mạo giấy tờ để đăng ký kết hôn.
b) Thiếu trách nhiệm, xác nhận không đúng tình trạng hôn nhân dẫn đến việc đăng ký kết hôn bất hợp pháp.
c) Cố ý khai gian dối hoặc có hành vi lừa dối khi đăng ký kết hôn hoặc cho, nhận nuôi con nuôi.
3- Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:
a) Vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.
b) Ép buộc vợ (hoặc chồng), con làm những việc trái đạo lý, trái pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
c) Từ chối thực hiện, không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cha mẹ, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.”
Có thể thấy, việc bạn chung sống, có con với người đàn ông đang độc thân mà không đăng ký kết hôn không phải là hành vi vi phạm pháp luật cũng như vi phạm Điều lệ Đảng. Vì vậy bạn sẽ không bị xử lý kỷ luật.
2. Tư vấn riêng của Luật sư
Tuy bạn không phải chịu trách nhiệm pháp luật và không bị kỷ luật Đảng do chung sống với người khác như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn nhưng bạn cần lưu ý rằng mối quan hệ hiện tại không có lợi cho bạn xét về mặt pháp luật.
Nếu bạn không đăng ký kết hôn mà chỉ chung sống như vợ chồng thì pháp luật sẽ không công nhận quan hệ vợ chồng của hai bạn và vì thế các quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng cũng không phát sinh. Tức là, khi cả hai bên không còn muốn tiếp tục chung sống nữa và có yêu cầu giải quyết các vấn đề liên quan đến con chung hoặc tài sản, bạn sẽ vô cùng bất lợi bởi lẽ:
- Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Bạn sẽ không được xem xét để chia tài sản chung của vợ chồng theo tỷ lệ 50/50 như những cặp vợ chồng có đăng ký kết hôn theo Luật hôn nhân và gia đình 2014.
- Việc bạn yêu cầu cấp dưỡng khi không còn chung sống cũng khó khăn vì hai bạn không là vợ chồng nên anh ta không có những nghĩa vụ mà người chồng phải thực hiện khi không còn tiếp tục chung sống. Đối với con của bạn cũng sẽ bị thiệt thòi vì pháp luật chỉ quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn. Nếu hai bạn không đăng ký kết hôn thì việc giải quyết quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con sẽ được thực hiện theo Điều 15, 69, 70, 71 Luật hôn nhân và gia đình, trong đó không bao gồm nghĩa vụ cấp dưỡng.
Vì vậy, lời khuyên cho bạn chính là nếu cảm thấy có thể tiếp tục mối quan hệ này một cách nghiêm túc, hãy bàn bạc với người đàn ông của mình đi đăng ký kết hôn. Khi hai bạn thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân của hai bạn sẽ được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi đối với trường hợp cụ thể của bạn. Nếu bạn còn bất cứ vấn đề nào chưa hiểu rõ hay có thắc mắc nào cần sự tư vấn, trợ giúp của luật , hãy liên hệ trực tiếp tới Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự thông qua địa chỉ: https://dichvulyhonhanoi.vn/ hoặc qua Hotline: 1900 599992 hoặc Zalo: 091 789 4567 để được hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất.
Với vốn kiến thức pháp luật chắc chắn cùng 10 năm kinh nghiệm thực tế, các luật sư đến từ Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự sẽ cho bạn những lời khuyên xác đáng nhất, đảm bảo giúp bạn giành tối đa quyền và lợi ích hợp pháp trong suốt quá trình giải quyết các vụ việc hôn nhân gia đình.
>> Xem thêm: Điều kiện kết hôn với đảng viên