Ly hôn với chồng người Nhật Bản
- 28/11/2018
- 4769
Câu hỏi:
Chào luật sư! Tôi là N.C.M, 29 tuổi. Hiện tôi đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. 1 năm trước, tôi kết hôn với người chồng Nhật Bản. Chúng tôi quen nhau vì tôi là giáo viên dạy tiếng Việt cho chồng. Sau khi kết hôn và làm đám cưới tại Việt Nam, tôi theo chồng sang Nhật Bản sinh sống. Cuộc sống ở xứ người không quá khó khăn do tôi cũng biết tiếng và có tìm hiểu văn hóa nhưng mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân của tôi đến từ người chồng. Tôi vốn có kiến thức tốt nên muốn tiếp tục đi làm nhưng chồng tôi kiên quyết bắt ở nhà làm nội trợ. Điều đó khiến tôi cảm thấy tù túng và thấy những gì tôi học và tích lũy được bị uổng phí. Tôi không muốn cả đời làm người phụ nữ nội trợ quanh quẩn trong nhà. Không thỏa thuận được với chồng, tôi bỏ về Việt Nam và muốn ly hôn tại nước mình không biết có được hay là không? Tôi vẫn chưa nhập quốc tịch Nhật Bản. Mong luật sư tư vấn cho trường hợp của tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Luật sư trả lời:
Chào bạn M! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho chúng tôi. Trường hợp của bạn là vụ việc ly hôn với người nước ngoài, chúng tôi xin giải đáp cụ thể như sau:
Để có được cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, vợ chồng phải thống nhất với nhau về nhiều yếu tố trong đó có việc sắp xếp công việc sau khi kết hôn. Nhiều người phụ nữ sẵn sàng ở nhà làm nội trợ chu toàn việc nhà để người đàn ông gánh vác kinh tế. Ngược lại, không ít chị em có kiến thức, kinh nghiệm và yêu công việc mong muốn được tiếp tục làm việc.
Khi hai vợ chồng không thể thỏa thuận với nhau về việc này sẽ dẫn đến mâu thuẫn lớn. Sự thỏa thuận chỉ khiến cả hai hài lòng khi nó không bị ép buộc và ai cũng thoải mái. Trong trường hợp của bạn, khi không được sống theo mong muốn của mình và cảm thấy bị tù túng, gượng ép, ly hôn là quyết định đúng đắn.
1. Quy định về ly hôn với người Nhật tại Việt Nam
Mặc dù bạn đã thực hiện việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam và hiện nay cũng đang trở về sinh sống tại Việt Nam nhưng chồng của bạn lại là công dân Nhật Bản và hiện vẫn đang cư trú ở Nhật Bản. Như vậy, theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì quan hệ hôn nhân của bạn là quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, cụ thể là quan hệ hôn nhân có một bên tham gia là người nước ngoài:
“Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.”
Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 của Việt Nam quy định trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài như sau:
“ 1. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.
2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
3. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.”
Về thẩm quyền giải quyết các vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam được quy định như sau:
“Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong những trường hợp sau đây:
d) Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam.”
(Điểm d, khoản 1 Điều 469 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)
Như vậy, bạn có quyền khởi kiện ly hôn tại Việt Nam và theo điểm c, khoản 1 Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết ly hôn cho bạn là Tòa án nhân dân cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương nơi bạn đang cư trú (tức là nơi bạn có Hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú).
2. Thủ tục ly hôn với chồng là người Nhật
Khi bạn muốn ly hôn với người chồng Nhật Bản tại Việt Nam, bạn cần thực hiện các thủ tục sau:
Hồ sơ ly hôn gồm:
- Đơn xin ly hôn đơn phương;
- Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn đã được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn đã được công nhận tại Việt Nam;
- Bản sao CMND/hộ chiếu của vợ và chồng (nếu có);
- Bản sao giấy khai sinh của con chung (nếu có con);
- Bản sao chứng từ, tài liệu về sở hữu tài sản (nếu có)
Trình tự thực hiện các bước như sau:
- Bước 1: Nộp hồ sơ: Bạn nộp hồ sơ xin ly hôn đơn phương tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh/thành phố nơi bạn đang cư trú, làm việc.
- Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn khởi kiện Tòa án sẽ phân công thẩm phán xem xét tính hợp lệ của hồ sơ bạn gửi.
- Bước 3: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, nếu hồ sơ đã hợp lệ và đầy đủ, thẩm phán ra Thông báo nộp tiền tạm ứng án phí và gửi cho người khởi kiện.
- Bước 4: Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được Thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, bạn phải nộp tiền tạm ứng án phí tại Chi cục thi hành án dân sự cấp tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết và nộp lại Biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.
- Bước 5: Sau khi nhận được Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, Tòa án mới ra Thông báo về việc thụ lý vụ án và gửi cho các đương sự.
- Bước 6: Tòa án tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Thời gian giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật tối đa là 06 tháng. Tuy nhiên, hiện tại chồng bạn đang ở Nhật Bản nên thời gian giải quyết thực tế có thể kéo dài hơn rất nhiều vì để giải quyết vụ án, Tòa án cần tiến hành thủ tục ủy thác tư pháp qua lại với Nhật Bản để lấy lời khai của chồng bạn.
Thực tế cho thấy các vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài chưa bao giờ là một vấn đề được giải quyết dễ dàng, nhất là với những người không hiểu luật. Khi chưa nắm rõ các quy định của pháp luật cũng như có những kinh nghiệm thực tế, bạn sẽ rất dễ gặp phải những sai lầm, những vướng mắc làm cho thủ tục ly hôn kéo dài và không đảm bảo quyền lợi của mình. Vì vậy, khi đối mặt với việc ly hôn nói chung và ly hôn đơn phương với người nước ngoài tại Việt Nam nói riêng, bạn cần nhờ sự tư vấn pháp luật chắc chắn từ phía những người am hiểu pháp luật.
Trên đây là toàn bộ lời tư vấn của chúng tôi trong tình huống cụ thể của bạn. Trường hợp có gì chưa rõ cần giải đáp hoặc có nhu cầu nhờ sự tư vấn, trợ giúp pháp lý của luật sư, hãy liên hệ trực tiếp tới Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự thông qua địa chỉ: https://dichvulyhonhanoi.vn/ hoặc qua Hotline: 1900 599992 hoặc Zalo: 091 789 4567 để được hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất.
Từ kinh nghiệm giải quyết các vụ án ly hôn trong thực tế, các luật sư tư vấn ly hôn của Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự không chỉ đảm bảo cho bạn giành được mọi quyền lợi hợp pháp mà còn cho bạn những lời khuyên, chia sẻ tận tình khi bạn đang bối rối trước ngưỡng cửa ly hôn.
Và đó chính là cam kết của chúng tôi!
Các bài viết liên quan:
Thủ tục ly hôn ở Canada