5 Câu hỏi thường gặp khi ra tòa ly hôn nhất định phải biết
- 21/12/2018
- 5613
Không phải mọi trường hợp ly hôn đều có thể giải quyết nhanh chóng và trơn tru. Trong quá trình thực hiện thủ tục ly hôn, có nhiều trường hợp không thể lường trước khiến việc ly hôn gặp nhiều khó khăn. Dưới đây, chúng tôi sẽ giải đáp cho bạn 5 câu hỏi thường gặp khi ra tòa ly hôn.
1. Làm thế nào để ly hôn đơn phương mà đối phương không chịu đến Tòa?
Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về ly hôn đơn phương như sau:
“Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”
Như vậy, khi bạn yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương mà đối phương không hợp tác bằng việc không đến tòa để giải quyết việc ly hôn thì theo quy định tại khoản 1 điều 238 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 tòa án sẽ căn cứ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ để xét xử vắng mặt đương sự, người tham gia tố tụng khác theo quy định của pháp luật khi có đủ các điều kiện sau:
- Nguyên đơn, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt;
- Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; người đại diện hợp pháp của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn đề nghị xét xử vắng mặt hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt;
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn đề nghị xét xử vắng mặt hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt.
Từ quy định trên, nếu Tòa án đã triệu tập vợ/chồng bạn đến lần thứ hai mà đối phương vẫn vắng mặt không có lý do thì Tòa án sẽ tiếp tục giải quyết vụ việc ly hôn của hai vợ chồng theo quy định của pháp luật.
2. Ra tòa để giải quyết ly hôn đơn phương nhưng không muốn ly hôn nữa thì phải làm thế nào?
Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.
Điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự quy định:
“Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây: Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan.”
Trường hợp không muốn tiếp tục ly hôn nữa, người khởi kiện ly hôn đơn phương có quyền rút đơn khởi kiện. Do Tòa án đã thụ lý vụ án nên khi rút đơn ly hôn, Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hôn nhân gia đình.
3. Làm thế nào khi không đồng tình với kết quả xét xử sơ thẩm của Tòa án?
Khi hòa giải không thành, Tòa án sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm. Sau khi xét xử vụ án, Tòa án sẽ ban hành Bản án để giải quyết vụ án. Trường hợp không đồng tình với kết quả xét xử sơ thẩm, trong vòng 15 ngày kể từ tuyên án, người không đồng ý với bản án sơ thẩm phải làm đơn kháng cáo theo khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 để được Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án.
Trong thời hạn từ 2 – 3 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm phải Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 01 tháng, trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng (khoản 2 Điều 286 Bộ Luật Tố tụng 2015).
4. Không biết chồng vay tiền có phải cùng trả nợ khi ly hôn?
Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về trường hợp vợ và chồng phải chịu trách nhiệm liên đới khi:
“1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.
2. Điều 37 của Luật này quy định vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định.”
Điều 37 luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ chung tài sản của vợ chồng thì các nghĩa vụ sau đây sẽ dùng tài sản chung vợ chồng để giải quyết:
“1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm
2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình
3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung
4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình
5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường
6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.”
Từ các quy định trên có thể thấy vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ chung về tài sản do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện giữa vợ chồng.
Căn cứ để xác định vợ chồng có phải liên đới chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ hay không là dựa vào mục đích khoản vay nợ là gì:
- Số tiền mà chồng bạn vay dùng để sử dụng cho gia đình như: xây dựng nhà cửa, chi phí sửa chữa, việc học hành của các con…thì dù người chồng không bàn bạc và người vợ không ký vào hợp đồng vay thì về nguyên tắc, người vợ cũng vẫn phải có nghĩa vụ liên đới trả khoản nợ đó cùng chồng.
- Trường hợp số tiền mà người chồng đã vay dùng để sử dụng vào mục đích nhu cầu cá nhân như: chơi cờ bạc, số đề, mua vật dụng cá nhân…thì nếu người vợ đưa ra được những chứng cứ chứng minh người chồng đứng ra vay số tiền trên không được đưa vào sử dụng chung thì không có nghĩa vụ liên đới trả khoản vay đó.
5. Chồng ngoại tình, vợ có được chia tài sản chung nhiều hơn?
Khoản 2 Điều 59 về Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.”
Ngoài ra, thông tư liên tịch 01/2016 giữa TAND Tối cao, VKSND Tối cao và Bộ Tư pháp cho phép thẩm phán dựa vào lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền và nghĩa vụ nhân thân, tài sản dẫn đến việc ly hôn. Ví dụ như nếu người chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc ngoại tình thì tòa án phải xem xét yếu tố “lỗi” này khi chia tài sản chung để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên. Như vậy, nếu chồng ngoại tình, người vợ sẽ được xem xét để chia tài sản chung có lợi cho mình hơn.
Trên đây là những câu hỏi thường gặp khi ra tòa ly hôn. Trường hợp còn bất cứ câu hỏi nào chưa được giải đáp hoặc có thắc mắc cần tư vấn, trợ giúp của các luật sư tư vấn ly hôn, hãy liên hệ trực tiếp tới Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự thông qua địa chỉ: https://dichvulyhonhanoi.vn/ hoặc qua Hotline: 1900 599992 hoặc Zalo: 091 789 4567 để được hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất.
Từ kinh nghiệm 10 năm trực tiếp tham gia giải quyết các vụ án ly hôn trong thực tế, các luật sư của Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự không chỉ đảm bảo cho bạn giành được mọi quyền lợi hợp pháp mà còn cho bạn những lời khuyên, chia sẻ tận tình khi bạn đang bối rối trước ngưỡng cửa ly hôn, hỗ trợ bạn nhanh chóng và kịp thời nhất!