Ly thân có được yêu người khác?
- 25/10/2018
- 5843
Tình trạng vợ chồng sống ly thân không phải là hiếm hiện nay. Vì ly thân chưa được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật nên khiến cho nhiều cặp vợ chồng đang ly thân có nhiều vướng mắc mà một trong số đó là việc: Ly thân có được yêu người khác?
1. Ý nghĩa, mục đích của việc Ly thân
Ly thân là tình trạng quan hệ vợ chồng khi mà cả hai không muốn sống chung với nhau hoặc cùng chung sống dưới một mái nhà nhưng không ăn chung, ở chung, sinh hoạt tách biệt.
Ly thân hiện chưa được cụ thể hóa và quy định trong một văn bản pháp luật nào, kể cả Luật hôn nhân và gia đình 2014. Việc ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng về mặt pháp lý cũng như các quyền và nghĩa vụ của các bên với nhau. Ly thân cũng không làm phát sinh các quyền riêng về tài sản chung và con chung.
Có thể coi ly thân như là một kiểu “chiến tranh lạnh” trong đời sống chung của vợ chồng nhưng ở mức trầm trọng hơn. Đây là khi cả hai không muốn giải quyết mâu thuẫn triệt để hoặc không ai muốn mở lời trước, im lặng và bế tắc. Ly thân cũng là một cách để cả hai có những suy nghĩ riêng cho mình.
Mục đích và ý nghĩa của việc ly thân:
Ly thân là cách để vợ và chồng có thời gian và không gian riêng để suy nghĩ, đưa ra những quyết định giải quyết tình trạng hôn nhân của mình.
Thực tế, khi xảy ra các mâu thuẫn và cãi vã, khó ai giữ được sự bình tĩnh khi ai cũng cho rằng mình đúng, không ai chịu nhường nhịn ai. Việc phải tranh cãi tới cùng để tìm ai đúng – ai sai chưa hẳn là cách giải quyết tốt nhất.
Khi tranh cãi trong khi không giữ được sự bình tĩnh, bạn khó mà có thể đưa ra những quyết định sáng suốt, những suy nghĩ thấu đáo. Cả hai cũng không có cơ hội nhìn nhận sự việc từ góc nhìn của nhau.
Vợ chồng có mâu thuẫn lớn mà vẫn tiếp tục chung sống có thể gây ra cãi vã kéo dài hoặc sự bạo lực về thể xác, tinh thần với nhau.
Ly thân là giải pháp để cả hai bình tĩnh và suy nghĩ thấu đáo. Khi có mâu thuẫn xảy ra, việc quyết định ly hôn vội vàng có thể gây ra cho cả hai nhiều hối tiếc cũng như hệ lụy không đáng có,
Nhiều cặp vợ chồng sau thời gian ly thân đã có thể thông cảm và tha thứ cho nhau, tiếp tục quay lại chung sống bình thường. Khi đó, họ không cần sự cho phép hoặc trải qua thủ tục pháp luật nào.
2. Ly thân có được yêu người khác?
Trong quá trình ly thân, vợ và chồng không ăn chung, ở chung, sống tách biệt. Vì đang có mâu thuẫn lớn và sự tức giận, trách móc nhất định dành cho đối phương mà khi ly thân, vợ hoặc chồng có thể có những tình cảm yêu đương dành cho người khác. Việc này có được hay là không?
Thực chất, khi bạn yêu người khác mà không thể hiện bằng những hành động hay lời nói thì trong thời kỳ hai bạn sống chung, chưa có mâu thuẫn, nó cũng chỉ là việc ngoại tình tư tưởng và không ai có thể cấm đoán, quản lý được bạn vì nó mới chỉ nằm trong suy nghĩ.
Tuy nhiên, khi bạn có tình cảm dành cho người khác và thể hiện nó bằng hành động cụ thể như sống chung, quan hệ tình cảm…thì đó không còn là hành vi mà bạn được tự do làm nữa.
Dù việc ly thân do hai vợ chồng bạn quyết định hoặc do ai khởi xướng thì ly thân cũng không làm mất đi các quyền và nghĩa vụ mà bạn phải thực hiện khi kết hôn. Pháp luật Hôn nhân và gia đình 2014 cấm hành vi:
“Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;” (Điểm c, Khoản 2 Điều 5).
Như vậy, việc bạn ngoại tình trong thời gian ly thân là hành vi không được phép và bị cấm. Do đó, nó có thể gây bất lợi cho bạn trong quyền tài sản hoặc quyền nuôi con khi ly hôn thực sự.
3. Ly thân bao lâu thì được tòa cho phép ly hôn?
Pháp luật không quy định ly thân bao lâu thì được phép ly hôn cũng như việc ly thân sẽ không được coi là một căn cứ để ly hôn.
Tuy nhiên, nếu việc ly thân kéo dài có thể được xem xét như là giai đoạn hôn nhân đã cận kề sự đổ vỡ, cả hai vợ chồng không còn muốn xây dựng hoặc bắt đầu lại mối quan hệ, bỏ mặc cho cuộc hôn nhân ra sao thì ra.
Trong quá trình ly thân, nếu muốn ly hôn, bạn có thể thỏa thuận với vợ/chồng mình để giải quyết ly hôn thuận tình theo quy định tại Điều 55 Luật hôn nhân gia đình 2014:
“Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”
Trường hợp bạn muốn ly hôn nhưng đối phương không đồng ý, không chấp nhận, bạn có thể làm đơn ly hôn đơn phương dựa vào khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
“Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”
Từ những chia sẻ trên, hy vọng bạn đã có câu trả lời cho thắc mắc: Ly thân có được yêu người khác? Trường hợp còn vấn đề chưa hiểu về thủ tục ly hôn cần sự tư vấn, trợ giúp pháp lý, hãy liên hệ trực tiếp tới Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự thông qua địa chỉ: https://dichvulyhonhanoi.vn/ hoặc qua Hotline: 1900 599992 hoặc Zalo: 091 789 4567 để được hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất.
Bằng sự chuyên nghiệp, tận tâm của toàn thể đội ngũ luật sư, Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự cam kết sẽ làm hài lòng mọi khách hàng, hỗ trợ khách hàng giải quyết mọi vấn đề một cách nhanh chóng và có lợi nhất.