Điều kiện giành quyền nuôi con sau ly hôn
- 05/10/2018
- 1927
Con sẽ ở với bố hay mẹ sau khi ly hôn chính là vấn đề tranh cãi tốn nhiều thời gian và công sức nhất trong mỗi vụ án ly hôn. Xuất phát từ tình thương yêu dành cho con mà cả vợ và chồng đều muốn mình là người trực tiếp nuôi con. Làm thế nào để có lợi thế trong cuộc chiến tranh quyền nuôi con? Những điều kiện giành quyền nuôi con sau ly hôn sẽ được giải đáp qua bài viết dưới đây.
1. Quy định của Pháp luật về quyền nuôi con sau ly hôn
Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn được quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Như vậy, có thể thấy quyền nuôi con ly hôn phụ thuộc vào hai yếu tố chính đó là độ tuổi của con và điều kiện của mỗi bên khi giành quyền nuôi con. Khi giành quyền nuôi con, mỗi bên phải cho Tòa án thấy được những điều kiện về kinh tế và về tinh thần để đảm bảo cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, và giáo dục con khôn lớn trưởng thành. Tòa án sẽ xem xét và phán quyết quyền nuôi con căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.
2. Cách giành quyền nuôi con khi ly hôn
2.1. Con dưới 03 tuổi (36 tháng)
Khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định con dưới 36 tháng tuổi được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng trừ khi cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con hoặc người mẹ không đủ điều kiện trực tiếp chăm sóc, trông nom, giáo dục con.
Như vậy, nếu bạn là người mẹ muốn giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì bạn sẽ có ưu thế lớn trước đối phương trong cuộc chiến giành quyền nuôi con. Pháp luật quy định như vậy nhằm đảm bảo lợi ích mọi mặt cho đứa trẻ vì trẻ em ở độ tuổi này vẫn còn trong giai đoạn bú sữa mẹ, cần sự yêu thương, chăm nom, vỗ về từ người mẹ. Bạn cũng cần thể hiện mình là người có khả năng nuôi dưỡng và chăm sóc, giáo dục con thông qua các điều kiện về vật chất và tinh thần của mình.
Nếu bạn là người chồng muốn giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì bạn cần thỏa thuận với vợ để giao quyền nuôi con cho bạn. Nếu vợ không đồng thuận, bạn phải chứng minh được rằng đối phương không có đủ điều kiện trực tiếp chăm sóc, trông nom, giáo dục con như không có thu nhập ổn định, không có thời gian chăm con, tư cách đạo đức, phẩm chất không tốt…để Tòa án xem xét giao quyền nuôi con cho bạn.
2.2. Con từ đủ 03 tuổi (36 tháng) trở lên
Đối với trường hợp con từ đủ 03 tuổi và dưới 07 tuổi
Quyền nuôi con sẽ do cha mẹ tự thỏa thuận với nhau. Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Vì vậy, nếu một trong hai bên muốn giành được quyền nuôi con thì phải chứng minh cho Tòa án thấy mình có đầy đủ các điều kiện dưới đây:
- Thu nhập thực tế: mức thu nhập ổn định chính là một trong những yếu tố cần thiết và quan trọng khi Tòa án xem xét giao con cho bạn trực tiếp nuôi dưỡng. Chỉ có thu nhập ổn định mới có thể tạo điều kiện cho con được ăn uống, học tập, tham gia các hoạt động xã hội một cách tốt nhất. Pháp luật không yêu cầu bạn phải có thu nhập cao hoặc ưu tiên ai có thu nhập nhiều hơn song yếu tố cần là bạn phải có thu nhập ổn định.
- Chỗ ở: một nơi ở ổn định, lâu dài, không tạm bợ là yếu tố có lợi cho sự trưởng thành của con.
- Môi trường sống: bạn sẽ có lợi thế khi bạn chứng minh được ở với bạn con sẽ tốt hơn khi ở với đối phương thông qua một môi trường sống tốt, thân thiện và đảm bảo cho việc học hành, vui chơi của con.
- Thời gian dành cho con: bạn khó mà giành được quyền nuôi con nếu như không có thời gian mỗi ngày để quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ con. Bên nào chứng minh được mình dành nhiều thời gian bên con hơn sẽ có lợi thế.
- Phẩm chất đạo đức của bạn: phẩm chất đạo đức và lối sống của bố mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới con, góp phần quyết định sự hình thành và phát triển nhân cách của một đứa trẻ. Vì vậy, nếu bạn thể hiện là người có phẩm chất tốt, không có tiền án tiền sự, được nhiều người yêu quý…thì bạn sẽ có thêm lợi thế khi giành quyền nuôi con.
Với con từ đủ 07 tuổi trở lên
Quyền nuôi con trong trường hợp này sẽ do con tự quyết định. Con bạn sẽ tự suy nghĩ xem muốn được ở cùng với bố hay mẹ, Tòa án sẽ căn cứ nguyện vọng của con để phán xét quyền nuôi con.
Tuy nguyện vọng của con là yếu tố quyết định trực tiếp song Tòa án vẫn căn cứ thêm các yếu tố khác để bảo đảm quyền lợi mọi mặt của con. Bạn không nên tranh quyền nuôi con bằng mọi giá nếu như bạn không thể đảm bảo cho con cuộc sống đủ đầy. Bởi lẽ yêu con thực sự chính là nhìn con sống và trưởng thành trong môi trường tốt nhất.
Những quy định về quyền nuôi con của pháp luật đều dựa trên cơ sở đảm bảo lợi ích mọi mặt cho con. Để có được lợi thế khi giành quyền nuôi con, bạn cần nắm rõ các quy định của pháp luật từ đó chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết.
Từ kinh nghiệm trong thực tế cũng như kiến thức chuyên môn sâu rộng, các luật sư tư vấn ly hôn và chuyên viên pháp lý của Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự sẽ giúp bạn chiếm được lợi thế tối đa khi ly hôn nói chung và trong cuộc chiến giành quyền nuôi con nói riêng. Nếu có nhu cầu tư vấn pháp luật hoặc sử dụng các dịch vụ pháp lý, hãy liên hệ trực tiếp tới Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự:
Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự
Địa chỉ: Số 03 đường Trung Yên 3, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Hotline: 1900 599992
Zalo: 091 789 4567
Email: luatsulehonghien@gmail.com