Thủ tục ly hôn ở Canada
- 15/03/2019
- 8803
Mỗi quốc gia có những quy định khác nhau trong lĩnh vực hôn nhân – gia đình sao cho phù hợp hoàn cảnh kinh tế, văn hoá, xã hội và phong tục tập quán của quốc gia đó. Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự sẽ giúp bạn tìm hiểu về thủ tục ly hôn ở Canada.
1. Khái quát về luật ly hôn ở Canada
Các quy định pháp luật về ly hôn ở Canada được ghi nhận bởi Luật ly hôn liên bang được ban hành vào năm 1986 và sửa đổi bổ sung lần hai vào năm 2005. Tuy nhiên, trình tự và thủ tục ly hôn giữa các vùng lãnh thổ có sự khác nhau.
Tương tự như pháp luật Việt Nam, pháp luật Canada công nhận hai cách thức ly hôn đó là: ly hôn có tranh chấp (ly hôn đơn phương) và ly hôn không có tranh chấp (ly hôn thuận tình).
Ly hôn có tranh chấp là khi hai bên không thể thoả thuận được với nhau các vấn đề về việc chấm dứt tình cảm, quyền nuôi con, quyền tài sản và về vấn đề cấp dưỡng.
Ly hôn không có tranh chấp là khi cả hai bên đều tự thoả thuận được với nhau các vấn đề nêu trên.
Theo Điều 8 Luật ly hôn liên bang, một cặp vợ chồng chỉ có thể được giải quyết cho ly hôn khi thẩm phán nhận định cuộc hôn nhân của họ đã tan vỡ bởi một trong những nguyên nhân sau:
Hai người đã ly thân ít nhất là 01 năm;
Theo khoản 3 Điều 8, khoảng thời gian ly thân trong một năm không được phép bị gián đoạn và phải kéo dài liên tục cho đến khi Tòa án ra phán quyết ly hôn. Pháp luật khuyến khích các cặp đôi hàn gắn cuộc hôn nhân khi cho phép họ có tối đa 90 ngày sống chung với nhau trong khoảng thời gian ly thân. Quy định này được đặt ra nhằm thử nghiệm tình cảm giữa hai người và nó không làm gián đoạn khoảng thời gian ly thân.
- Một trong hai người ngoại tình;
- Một trong hai người bị người còn lại gây tổn thương nghiêm trọng về thể chất hoặc tinh thần dẫn đến việc không thể tiếp tục chung sống.
Trên thực tế, thủ tục ly hôn đối với những cuộc hôn nhân tan vỡ bởi nguyên nhân (2) và (3) ở trên thường kéo dài và có chi phí tốn kém hơn nhiều.
Khi hai vợ chồng quyết định sống ly thân, họ có thể nhờ luật sư hoặc cố vấn pháp lý gia đình giúp họ lập một văn bản thỏa thuận về việc sống ly thân.
Việc hoà giải được pháp luật đặc biệt khuyến khích khi Đạo luật này có những quy định riêng về nghĩa vụ giúp đỡ thân chủ hàn gắn mối quan hệ hôn nhân của luật sư. Theo Điều 9, luật sư có nghĩa vụ giúp đỡ thân chủ của mình và vợ/chồng của người ấy thỏa thuận các vấn đề khi họ quyết định ly hôn. Luật sư cũng có nghĩa vụ giới thiệu cho thân chủ của mình các dịch vụ hoà giải hoặc người có khả năng giúp họ hòa giải.
Về việc phân chia tài sản
Các bên có thể tự thoả thuận về việc phân chia tài sản và thỏa thuận này phải được lập thành văn bản. Nếu như hai bên không thể thống nhất với nhau thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Theo Hiến pháp Canada thì mỗi vùng lãnh thổ trên quốc gia này có trách nhiệm ban hành các quy định pháp luật liên quan đến việc phân chia tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng phù hợp với đặc điểm văn hoá xã hội của từng vùng đó.
Thủ tục ly hôn và phân chia tài sản ở Canada
Một nguyên tắc phổ biến được pháp luật các vùng ghi nhận đó là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (tính cả tài sản được tạo lập trong thời kỳ ly thân) sẽ được chia đều cho hai bên. Pháp luật nhìn nhận hôn nhân là một quan hệ bình đẳng, vì vậy công sức đóng góp của một người ở nhà nội trợ và một người tạo ra thu nhập chính trong gia đình là như nhau. Nguyên tắc phân chia này được áp dụng với hầu hết các loại tài sản. Tuy nhiên, đối với tài sản là nhà ở chung của hai vợ chồng thì việc phân chia được thực hiện theo một cách thức hoàn toàn riêng biệt. Một trong hai bên vẫn có quyền ở lại căn nhà dù người đó không có tên trên giấy sở hữu nhà đất.
Cần lưu ý rằng nguyên tắc chia đều tài sản không được áp dụng đối với các cặp vợ chồng ly hôn nhưng chưa đăng ký kết hôn. Lúc này, tài sản mang tên sở hữu của người nào sẽ chỉ thuộc về người đó. Một trong hai bên cũng không phải chịu trách nhiệm liên đới về các khoản nợ đứng tên của đối phương.
Về quyền nuôi con
Khi quyết định ly hôn, các cặp vợ chồng có thể thỏa thuận với nhau về quyền nuôi con cũng như quyền thăm non và mức cấp dưỡng. Nếu như không thể tự thỏa thuận với nhau, họ có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.
Thủ tục ly hôn và quyền nuôi con ở Canada
Thẩm phán sẽ ra quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào lợi ích tốt nhất cho đứa trẻ. Bên cạnh đó, một số yếu tố ảnh hưởng khác cũng được tính đến, ví dụ như:
- Quan hệ giữa cha mẹ và con;
- Sức khỏe thể chất, tinh thần và trí tuệ cảm xúc của một trong hai bên cha mẹ;
- Thời gian một trong hai bên có thể dành cho con;
- Kỹ năng làm cha mẹ của mỗi bên;
- Người phụ trách chủ yếu việc chăm sóc con trước khi cả hai ly thân;
- Nguyện vọng của đứa trẻ.
Sau khi ly hôn, một trong hai bên vẫn có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, quyền thăm nom con và mức cấp dưỡng. .
2. Thủ tục giải quyết ly hôn ở Canada
Theo pháp luật Canada, các cặp vợ chồng vẫn có thể ly hôn dù không phải là công dân Canada hay không đăng ký kết hôn tại quốc gia này. Để được ly hôn các cặp vợ chồng phải đáp ứng hai điều kiện là: quan hệ hôn nhân giữa họ phải hợp pháp và một trong hai người vợ/chồng phải sống ở Canada trong vòng ít nhất 1 năm.
Cũng giống như ở Việt Nam, thủ tục ly hôn không có tranh chấp tại Canada cũng được thực hiện nhanh hơn, đỡ gây ra tốn kém công sức và chi phí cho các bên so với thủ tục ly hôn có tranh chấp. Thông thường, thủ tục ly hôn không có tranh chấp ở Canada kéo dài từ 03-06 tháng. Thủ tục ly hôn có tranh chấp sẽ mất nhiều thời gian hơn và thường các cặp vợ chồng phải thuê luật sư để hỗ trợ mình trong quá trình giải quyết.
Thủ tục ly hôn ở Canada
- Bước 1: Nộp hồ sơ xin ly hôn đến Tòa án tỉnh/vùng nơi mà cặp vợ chồng đó đang cư trú.
Hồ sơ xin ly hôn gồm:
– Đơn xin ly hôn: Mẫu đơn xin ly hôn tuỳ thuộc vào tỉnh/vùng mà cặp vợ chồng đó đang sinh sống;
– Giấy chứng nhận kết hôn;
– Giấy khai sinh của hai vợ chồng;
– Thỏa thuận tiền hôn nhân (nếu có);
– Giấy khai sinh của con chung (nếu có);
– Văn bản thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con và mức cấp dưỡng nếu hai vợ chồng có con chung. Trường hợp hai bên không thoả thuận được thì bên yêu cầu trực tiếp nuôi con phải cung cấp những bằng chứng thể hiện những điều kiện mà họ có thể dành cho con.
- Bước 2: Tham gia các phiên toà;
- Bước 3: Cuộc hôn nhân được coi là chính thức chấm dứt chỉ khi nào thẩm phán đưa ra phán quyết ly dị.
- Bước 4: Sau 30 ngày kể từ ngày thẩm phán ra phán quyết, các bên sẽ được cấp Giấy Chứng nhận ly hôn. Đây là tài liệu quan trọng vì khi một trong hai người muốn bắt đầu một quan hệ hôn nhân mới, họ phải cung cấp tài liệu này cho Cục thống kê dân số.
Tuy các quy định pháp luật về thủ tục ly hôn ở mỗi quốc gia là khác nhau nhưng trong quá trình giải quyết một điểm chung mà luật pháp của các quốc gia đều khuyến khích đó là tham khảo sự tư vấn của luật sư. Dù là trường hợp ly hôn thuận tình hay ly hôn đơn phương thì sự tham gia của luật sư đều có tác dụng giúp cho quá trình ly hôn diễn ra nhanh chóng và đặc biệt là đảm bảo quyền lợi cho người cần trợ giúp.
Trên đây là những thông tin cơ bản về luật ly hôn tại Canada. Nếu bạn còn bất cứ điều gì thắc mắc cần tư vấn hoặc cần sự trợ giúp pháp lý,hãy liên hệ trực tiếp tới Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự thông qua địa chỉ: https://dichvulyhonhanoi.vn/ hoặc qua Hotline: 1900 599992 hoặc Zalo: 091 789 4567 để được hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất.
Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự tự hào có kinh nghiệm 10 năm trong việc giải quyết các vụ án ly hôn trong thực tế. Các luật sư của Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự vì thế sẽ giúp bạn giành mọi quyền lợi hợp pháp của mình, giúp bạn chuẩn bị hồ sơ, tài liệu cũng như những chứng cứ được Tòa án công nhận. Các luật sư là những người có có kiến thức pháp luật chắc chắn, có nhiều kinh nghiệm thực tế, sẽ là chỗ dựa vững chắc của bạn để bạn có thể yên tâm giành được những quyền và lợi ích tốt nhất cho mình khi ly hôn.
Các bải viết liên quan: