Vợ chồng ly hôn để tài sản lại cho con theo quy định của Pháp luật

  • 09/10/2018
  • 3778

Vợ chồng khi ly hôn muốn để lại tài sản cho con phải tiến hành những thủ tục nào theo quy định nào của pháp luật? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nắm rõ được cách thức để lại tài sản cho con khi quyết định ly hôn.

1. Cơ sở pháp lý về tài sản vợ chồng để cho con sau ly hôn

Để lại tài sản cho con

Để lại tài sản cho con khi ly hôn phải đảm bảo thủ tục của Luật pháp

Khi vợ chồng thỏa thuận và đồng ý tặng tài sản chung cho con sau khi ly hôn thì thỏa thuận đó phải đảm bảo thủ tục quy định tại Điều 35 Luật hôn nhân và gia đình 2014:

“1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.

2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

a) Bất động sản;

b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;

c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.”

Trường hợp một trong hai bên không đồng ý để lại tài sản chung của vợ chồng cho con thì có thể đề nghị Tòa án phân chia khối tài sản chung theo quy định của pháp luật.

Tài sản chung của vợ chồng được quy định trong Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”

Ly hôn chia tài sản sẽ được tính đến rất nhiều yếu tố: Hoàn cảnh mỗi bên, công sức đóng góp..

Khi ly hôn, tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi có tính đến các yếu tố như: hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung; lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Sau khi khối tài sản chung đã được chia, để đảm bảo quyền lợi của mình thì mỗi bên nên lập tức làm thủ tục sang tên, xác lập quyền sở hữu. Khi đó, vợ hoặc chồng có quyền tự định đoạt phần tài sản riêng của mình, bao gồm việc để lại tài sản đó cho con mà không cần người kia cho phép hay không.

2. Cách thức để lại tài sản cho con sau ly hôn

2.1. Làm thủ tục tặng cho tài sản thông qua người giám hộ

Đối với con chưa thành niên, khi cha mẹ không có điều kiện trực tiếp nuôi con thì sau khi ly hôn, con sẽ do người giám hộ đương nhiên là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại (quy định khoản 2 Điều 52 Bộ luật Dân sự 2015) .

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 59 Bộ luật Dân sự 2015 thì: “Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.”

Như vậy, khi vợ hoặc chồng có nhu cầu để lại tài sản cho con khi ly hôn có thể làm hợp đồng tặng cho thông qua người giám hộ. Khi đó, người giám hộ sẽ đại diện cho con để ký hợp đồng tặng cho tài sản để nhận tài sản từ vợ hoặc chồng.

Nếu tài sản được tặng cho là bất động sản thì hợp đồng tặng cho còn phải được  công chứng, chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 459 Bộ Luật Dân sự 2015:

“1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.

2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.”

Nếu tài sản mà vợ, chồng tặng, cho là động sản thì có thể lập thành văn bản hoặc được giao kết bằng miệng. Trường hợp động sản phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho sẽ có hiệu lực kể từ ngày đăng ký quyền sở hữu theo quy định tại Điều 458 Bộ Luật Dân sự 2015:

“1. Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.”

2.2. Lập văn bản thỏa thuận về tài sản

Khi vợ chồng có sự đồng thuận về việc để tài sản cho con có thể lập văn bản với những nội dung như sau:

  • Thỏa thuận Về việc tặng cho tài sản: vợ, chồng thống nhất tặng những tài sản nào cho con, đặc điểm, giá trị của tài sản; thời gian, điều kiện tặng cho tài sản;….
  • Các thỏa thuận khác: người quản lý tài sản, người có quyền sở hữu hoa lợi, lợi tức (tiền thuê nhà).

3. Con trên 18 tuổi có được chia tài sản khi bố mẹ ly hôn?

Khi hai vợ chồng ly hôn, quan hệ vợ chồng sẽ chấm dứt theo Bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Ngoài ra, việc ly hôn còn làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ với con sau khi ly hôn đi kèm với đó là quyền tài sản của vợ và chồng. Về nguyên tắc, những tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân được xem là tài sản chung. Tài sản riêng của vợ và chồng vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó. Tài sản riêng được chia theo nguyên tắc quy định tại Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014. Theo đó, pháp luật không quy định cha mẹ phải chia tài sản cho con cái sau ly hôn. Việc để lại tài sản cho con tùy thuộc vào nhu cầu của từng cha mẹ.

Trên đây là những kiến thức cơ bản về vấn đề vợ chồng ly hôn để lại tài sản cho con. Trong trường hợp còn những vướng mắc chưa rõ hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý, bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi:

Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự

Địa chỉ: Số 03 đường Trung Yên 3, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

Hotline: 1900 599992

Zalo: 091 789 4567

Email: luatsulehonghien@gmail.com

Facebook Comments
Vợ chồng ly hôn để tài sản lại cho con theo quy định của Pháp luật
5 (100%) 1 vote

Luật sư Lê Hồng Hiển sinh năm 1983, tốt nghiệp Đại học luật HN 2005, đã có kinh nghiêm hơn 10 năm trong nghề. Kinh nghiệm: Tham gia bào chữa nhiều vụ án lớn, được dư luận quan tâm như: Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm; Vụ án Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức); Vụ án Hứa Thị Phấn; Vụ án Hoàng Công Lương... Được nhiều cơ quan báo chí phỏng vấn, trả lời các vấn đề thời sự được xã hội quan tâm như VTV, VTC, Báo công an nhân dân, Báo Nhân dân, Báo đời sống pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam, Báo Công lý, VOV....

Dịch vụ ly hôn Hà Nội - HÃNG LUẬT LÊ HỒNG HIỂN & CỘNG SỰ

0913831789