Có nên ly hôn khi chồng đánh vợ?
- 27/09/2018
- 3492
Câu hỏi:
“Chào luật sư, em là Lan, 29 tuổi. Em và chồng em kết hôn năm 2015 và vẫn chưa có con. Trong hai năm đầu, cuộc sống hôn nhân của chúng em rất hạnh phúc. Tuy nhiên, 1 năm trở lại đây, mối quan hệ của chúng em đột ngột thay đổi. Chồng em thường xuyên uống rượu và khi nào uống xong cũng đánh đập em. Em đã nhẫn nhịn suốt 1 năm qua nhưng càng ngày anh ta càng ra tay tàn bạo hơn, có lần khiến em phải nằm viện cả tuần. Em không biết có nên giải thoát cho mình bằng cách ly hôn không vì em sợ mọi người dị nghị và có nhiều trường hợp cũng giống mình nhưng họ không ly hôn. Mong được sự tư vấn của luật sư. Em xin chân thành cảm ơn!”
1. Cách đối phó khi chồng vũ phu
Chào bạn Lan, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới Bộ phận tư vấn luật Hôn nhân và gia đình của chúng tôi. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi tư vấn cụ thể như sau:
Mỗi cuộc hôn nhân lại có những hoàn cảnh, những điều khó nói khác nhau. Có chị em gặp phải người chồng gia trưởng, có người lại gặp phải ông chồng khó tính hay soi mói. Thế nhưng, những người chồng vũ phu chính là trường hợp đáng phê phán nhất. Những người đàn ông khỏe mạnh lại khiến người phụ nữ chân yếu tay mềm phải chịu đòn roi quả là điều hết sức vô lý cho dù với nguyên nhân gì đi chăng nữa. Khi gặp phải người chồng vũ phu, bạn cần biết cách đối phó để tránh làm tổn thương mình hết mức có thể:
- Hãy nói chuyện khi chồng đã bình tĩnh: Đừng đôi co khi anh ta đang nổi giận hoặc trong người còn hơi men: Đặc điểm chung của những người chồng vũ phu là dễ nóng tính và không kiểm soát được bản thân. Khi cả hai tranh cãi với nhau, bạn hãy nhanh chóng kết thúc cuộc tranh luận trước khi nó trở nên mất kiểm soát và cả hai to tiếng với nhau. Khi không ai chịu nhường ai thì chỉ làm cho tình huống lên đến đỉnh điểm và người chồng không biết kiềm chế của bạn sẽ chẳng ngại ngần “tặng” cho bạn vài cái bạt tai. Nếu bạn vẫn tiếp tục tranh cãi thì xô xát lớn hơn có thể xảy ra và người chịu thiệt không ai khác chính là bạn.
- Nhờ gia đình, người thân giúp đỡ: Tiếng nói của bạn không có trọng lượng với chồng thì có thể nhờ gia đình là bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ, anh chị em chồng giúp đỡ. Dù chồng bạn có hung hăng tới đâu thì đứng trước những người vai vế lớn hơn, anh ta vẫn sẽ phải nhượng bộ một phần. Hãy nhờ họ khuyên giải để chồng bạn bớt nóng tính. Bố mẹ chồng và bố mẹ đẻ, hãy xem họ như lá chắn để bảo vệ bạn.
- Không được cam chịu: Một trong những lý do khiến cho những ông chồng vũ phu luôn sẵn sàng đánh đập vợ thường xuyên chính là do những người vợ không có bất cứ sự phản kháng nào mà cứ âm thầm chịu đựng. Đó không phải là sự nhẫn nhịn tốt cho hôn nhân mà là sự cam chịu bất hạnh. Cuối cùng, bạn vĩnh viễn là nạn nhân của bạo lực gia đình. Vì vậy, hãy tỏ rõ thái độ phản đối, không đồng tình khi anh ta có các hành vi đánh đập, xúc phạm bạn. Hãy để người chồng biết bạn là người không dễ cam chịu và sẵn sàng phản kháng.
Vì thế, nguyên tắc cần nhớ khi nói chuyện với người chồng vũ phu là chỉ nên phân tích thiệt hơn khi anh ta đã trở nên bình tĩnh và sẵn sàng nghe bạn nói.
2. Có nên ly hôn khi chồng vũ phu?
Một câu hỏi mà chúng tôi muốn đặt ngược lại cho bạn đó là “Vì sao phải cam chịu ở bên 1 người chồng vũ phu?”. Bạn đã chịu đựng cảnh bạo hành trong suốt 1 năm đến mức đã từng bị thương tích lớn về thể xác phải nằm viện 1 tuần, bên cạnh đó là những nỗi đau về tinh thần không thể chữa lành. Không có lý do gì khiến bạn tiếp tục cuộc hôn nhân này, nhất là hiện giờ hai vợ chồng bạn vẫn chưa có con. Ly hôn xem như là một sự giải thoát hoàn hảo cho bạn.
Bạn đừng có suy nghĩ phải cố gắng duy trì cuộc hôn nhân này bằng cách chịu những đòn roi vì sợ thiên hạ dị nghị. Thiên hạ không giúp bạn hạnh phúc, không nuôi sống bạn nên đừng vì những người không quen biết mà chịu đựng. Khi mọi chuyện không thể vượt qua, khi bạn đã quá mệt mỏi và không thể chịu đựng thêm nữa, hãy dừng lại. Một người chồng yêu thương bạn thật sự, quan tâm cho bạn sẽ không bao giờ làm bạn phải đau đớn dù với bất kỳ lý do nào, về thể xác hay tinh thần. Như cách nói vui rằng “36 kế chuồn là thượng sách”, bạn cũng nên sử dụng kế thứ 36 này để tìm hạnh phúc cho mình.
Trong Điều 56 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định rõ “bạo lực gia đình” là căn cứ để giải quyết việc ly hôn nếu đó là nguyên nhân làm đời sống hôn nhân trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được:
“Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”
Quy định này là một điểm mới so với luật Hôn nhân gia đình 2000, thực tế một trong những nguyên nhân phổ biến của việc ly hôn là do bạo lực gia đình và nạn nhân là phụ nữ chiếm tỉ lệ cao nhất (tổng kết thực tiễn giải quyết các án kiện ly hôn của Toà án). Đây chính là căn cứ pháp lý để bạn có thể ly hôn đơn phương mà không cần sự đồng ý của chồng.
Khi nộp đơn ly hôn, bạn hãy cung cấp thêm các bằng chứng, hình ảnh, xác nhận của bệnh viện bạn đã nằm điều trị khi bị chồng hành hung để Tòa án giải quyết ly hôn cho bạn. Ngoài ra, nếu hành vi bạo lực bị các cơ quan chức năng phát hiện thì chồng bạn còn có thể bị xử phạt theo Điều 49 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình bị xử lý như sau:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
- Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
Người vi phạm còn bị buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi trên.
Như bạn chia sẻ thì chồng bạn đã từng đánh bạn phải nằm viện dài ngày. Trường hợp này, nếu có chứng nhận của bác sĩ về việc gây tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% thì anh ta có thể phải chịu trách nhiệm Hình sự theo Điều 134 Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2017 về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Khi chia sẻ về việc có nên ly hôn khi bị chồng bạo hành, chúng tôi không khuyến khích hay cổ súy việc ly hôn. Nhưng với trường hợp những người vợ gặp phải các ông chồng vũ phu, thường xuyên chịu bạo lực gia đình, ly hôn chính là cách giải thoát tốt nhất.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về xoay quanh câu hỏi Có nên ly hôn khi chồng vũ phu? Hi vọng bạn đã có những tham khảo có ích và lựa chọn cho mình một hướng giải quyết đúng đắn nhất.
Một lần nữa chúng tôi muốn nhắn nhủ với bạn rằng: Cuộc sống của của bạn và không ai có thể sống thay cho bạn. Vì vậy, trong mọi quyết định của mình, bạn hãy luôn nghĩ tới bản thân và yêu thương mình nhiều hơn. Đừng để những mặc cảm và nỗi sợ trói buộc bạn vào một cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
Cuối cùng, chúng tôi chúc bạn luôn mạnh mẽ để vượt qua được những khó khăn hiện tại và tìm thấy được hạnh phúc cho mình!
Khi có những nhu cầu về tư vấn pháp lý hay muốn sử dụng dịch vụ ly hôn nhanh thì Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự chính là lựa chọn hàng đầu cho bạn vì các luật sư và chuyên viên pháp lý của chúng tôi đều là những người có nhiều kinh nghiệm và đã giải quyết nhiều vụ án ly hôn nên chắc chắn sẽ giúp cho bạn có những lời khuyên và chia sẻ có ích nhất.
Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự
- Địa chỉ: Số 03 đường Trung Yên 3, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
- Hotline: 1900 599992
- Zalo: 091 789 4567
- Email: luatsulehonghien@gmail.com