Có nên ly hôn khi không còn tình cảm?
- 27/09/2018
- 5985
Câu hỏi:
“Chào luật sư! Tôi là Thanh, 25 tuổi, hiện là nhân viên văn phòng. Tôi và chồng kết hôn đã được 3 năm song tôi luôn cảm thấy cuộc hôn nhân của chúng tôi là một sai lầm. Chưa tìm hiểu kỹ đối phương mà đã vội vàng quyết định kết hôn, sau khi về một nhà chúng tôi phát hiện ra cả hai có quá nhiều điểm khác biệt trong suy nghĩ, lối sống. Vì vậy chỉ sau vài tháng đầu tình cảm mặn nồng, giữa chúng tôi bắt đầu xảy ra mâu thuẫn, bất hòa. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm sau khi chúng tôi có với nhau một bé gái. Để tránh làm ảnh hưởng tới cháu, mặc dù chúng tôi vẫn sống chung một nhà nhưng cả hai đều sinh hoạt riêng và không quan tâm tới đối phương. Hiện tại, cuộc sống hôn nhân khiến tôi cảm thấy bí bách đến ngạt thở. Vì con tôi mới hai tuổi nên chúng tôi vẫn luôn băn khoăn rằng có nên ly hôn hay tiếp tục duy trì cuộc hôn nhân vì con. Hi vọng luật sư sẽ tư vấn cho tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!”
1. Có nên vì con mà tiếp tục sống?
Chào bạn Thanh, cảm ơn bạn đã tin tưởng chia sẻ những băn khoăn của mình cho chúng tôi. Về vấn đề của bạn, chúng tôi tư vấn cụ thể như sau:
Đây là điều mà hai bạn đang băn khoăn ở thời điểm hiện tại. Thực chất, mối quan hệ của bạn chỉ còn sự kết nối duy nhất là đứa con. Việc hai bạn đang xem xét mối quan hệ dựa trên sự kết nối này thể hiện cả hai đều quan tâm và muốn con có sự phát triển, môi trường phát triển toàn diện nhất. Thế nhưng, vì con mà tiếp tục chung sống khi đã hết tình cảm có phải là quyết định tốt nhất?
Để các bạn nhận được đáp án cho câu trả lời này, chúng tôi sẽ đưa ra những hệ quả mà các bạn sẽ phải đối mặt khi quyết định không ly hôn dù đã hết tình cảm:
Hãy hồi tưởng xa hơn một chút về thời gian khi các bạn bắt đầu cuộc hôn nhân này. Lý do kết hôn vào lúc 22 tuổi của bạn có phải là tình yêu say đắm với người chồng hiện tại, cảm thấy không thể thiếu được người đàn ông này trong tương lai và muốn cùng anh ta chung sống, cùng anh ta xây dựng tương lai tốt đẹp? Thực tế, tình cảm là nền nóng nhưng chưa đủ để tạo nên ngôi nhà hôn nhân bền vững. Sự tương đồng về lối sống cũng như cách thức giải quyết vấn đề mới là yếu tố hàng đầu giúp các cặp vợ chồng chung sống với nhau dài lâu. Chính vì thế, khi mà ngọn lửa tình yêu không còn rực cháy như thuở ban đầu, một khi những mâu thuẫn, bất đồng trong quan điểm, lối sống xảy ra thì nhiều người trong chúng ta có cảm giác rằng mình đã sai lầm khi kết hôn.
Cố níu kéo đời sống hôn nhân nhưng không còn tình cảm và luôn đau đáu liệu có nên ly hôn sẽ khiến đời sống hôn nhân của bạn chắc chắn không hạnh phúc. Vì đã không còn tình yêu gắn kết giữa hai người, tâm hồn bạn sẽ luôn cảm thấy trống rỗng và cô đơn. Cảm giác luôn khao khát sự yêu thương, quan tâm nhưng lại không thể nhận được sẽ khiến bạn đau khổ và mệt mỏi. Và rồi, cãi vã sẽ xảy ra ngày một nhiều hơn. Bạn sẽ thấy mình và chồng sẵn sàng đôi co với nhau về bất cứ lý do gì dù to hay nhỏ, dù có đáng để tranh luận hay không vì thực chất giờ đây hai bạn không còn sự đồng cảm và thấu hiểu cho nhau mà thay vào đó là sự chán ghét đôi bên.
Sau những cãi vã kéo dài chính là sự im lặng thờ ơ từ ngày này qua ngày khác. Bạn đã chán ngán đối phương đến mức chẳng thèm để mắt tới, chẳng còn quan tâm anh ta đang ở đâu, làm gì, với ai. Nó như một cuộc chiến tranh lạnh kéo dài đẩy hai bạn càng ngày càng xa nhau.
Ở cạnh một người mình không yêu thương sẽ có cảm giác cô đơn, nhất là khi tuổi bạn còn quá trẻ. Liệu hai bạn có chắc mình sẽ không mềm lòng mà rung động bởi những chàng trai, cô gái khác? Đó là những rung động hết sức bình thường nhưng lại là bất thường khi bạn đã có gia đình, nhất là khi những rung động ấy phát triển thành những cảm xúc, hành động rõ ràng.
Từ những hệ lụy diễn ra khi bạn bối rối sống không hạnh phúc có nên ly hôn hay không, những gì con bạn sẽ phải chứng kiến là:
- Cảm nhận được sự thờ ơ của bố mẹ. Trẻ con rất nhạy cảm, dù các bạn có “diễn” cảnh hạnh phúc trước mắt con nhưng không thể diễn được trong cả chục năm hoặc hơn nữa. Con bạn sẽ cảm thấy bố mẹ không còn yêu thương nhau, cảm nhận gia đình không còn hạnh phúc.
- Con sẽ phải chứng kiến những cuộc cãi vã của các bạn mỗi ngày vì bất đồng trong mọi quan điểm, không tìm được điểm gì chung. Nó sẽ làm ảnh hưởng tới sự phát triển về tâm sinh lý của con.
- Hôn nhân không tình yêu rất dễ khiến bạn sa ngã rơi vào mối quan hệ ngoài luồng khác, điều này hoàn toàn có thể hiểu được bởi dù chúng ta có là người mạnh mẽ đến đâu thì vẫn luôn cần tình yêu và chỗ dựa về tinh thần. Nhưng kể cả bạn có trăm ngàn lý do để lý giải cho việc có quan hệ với người thứ ba trong khi cuộc hôn nhân giữa hai bạn vẫn đang tồn tại thì đó là hành vi sai trái và bị xã hội phê phán. Con bạn sẽ nghĩ gì khi biết bố mẹ đang sống chung nhưng một trong hai hoặc cả hai lại ngoại tình?
Vì vậy, việc duy trì hôn nhân không tình yêu vì con là hoàn toàn không nên. Một gia đình không phải chỉ cần có bố, mẹ và con cùng sống trong một ngôi nhà là đủ, mà gia đình cần phải có niềm vui, những tiếng cười, sự san sẻ yêu thương,… Nếu bản thân chúng ta không hạnh phúc thì chúng ta không thể làm những người xung quanh mình hạnh phúc. Ly hôn không làm con của bạn mất đi bố hoặc mẹ, nếu các bạn vẫn dành sự quan tâm và trách nhiệm đối với đứa trẻ. Nhưng nếu ở bên nhau mà hai vợ chồng bạn không thể cho mình cảm nhận được niềm hạnh phúc trọn vẹn thì cái mà con bạn mất đi sẽ là niềm tin và có thể có những nhận thức lệch lạc, bi quan về cuộc sống.
2. Tư vấn ly hôn khi không còn tình cảm
Quyết định ly hôn khi không còn tình cảm, bạn phải xác định rõ tình cảm ở đây là gì. Bạn không thể ly hôn chỉ vì sự nguội lòng nhất thời, chỉ vì trong một khoảnh khắc nào đó bạn cảm thấy không còn yêu chồng nữa. Thực tế, hôn nhân giống như bản nhạc có nốt thăng nốt trầm. Khi cao trào thì sôi nổi, lúc trầm lại bình lặng. Vì vậy khi bạn cảm thấy không còn yêu đối phương như trước thì đây có thể chỉ là một giai đoạn hôn nhân mà các bạn phải trải qua.
Tuy nhiên, khi đã cố gắng tìm cách hàn gắn, kết nối lại tình cảm với nhau mà không đạt hiệu quả, vợ chồng vẫn xảy ra tình trạng mạnh ai nấy làm, không quan tâm đến nhau thì việc ly hôn nên được đưa ra cân nhắc. Vì khi đó, ly hôn thực sự là giải pháp tốt nhất để các bạn giải thoát cho chính mình cũng như đối phương.
Trường hợp của bạn, vì chồng bạn cũng có ý muốn ly hôn nên hai bạn có thể làm đơn ly hôn thuận tình. Các bạn tự nguyện ly hôn và thỏa thuận được về quyền nuôi con và quyền chia tài sản thì Tòa án sẽ xem xét và công nhận thuận tình ly hôn. Việc thỏa thuận dựa trên đảm bảo quyền lợi của vợ và con nên bạn sẽ có lợi thế:
Điều 55 Luật hôn nhân và gia đình 2014: Thuận tình ly hôn
“Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”
Trường hợp hai bạn không thể thỏa thuận được quyền nuôi con và tài sản thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn đơn phương.
Việc phân chia tài sản sẽ dựa vào nguyên tắc được quy định tại Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014:
“1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này.”
Về quyền nuôi con, khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định như sau:
“Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Vì con của bạn hiện đang dưới 36 tháng tuổi, nên nếu có tranh chấp xảy ra về quyền nuôi con thì Tòa án sẽ giao con cho bạn trực tiếp nuôi dưỡng. Bên cạnh đó, bạn cũng cần chứng minh mình đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con bằng thu nhập hàng tháng, thời gian dành cho con, môi trường sống của con…
Tuy không nuôi con song chồng bạn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng và có quyền thăm nom con theo quy định tại Điều 82 Luật hôn nhân gia đình 2014:
“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở”
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”
Cuộc sống hôn nhân hạnh phúc bắt nguồn từ tình cảm sau đó chuyển dần thành trách nhiệm và nghĩa vụ. Tình yêu không làm nên tất cả nhưng một cuộc hôn nhân không được duy trì bằng tình cảm giữa hai người sẽ không bao giờ là một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Câu hỏi có nên ly hôn khi không còn tình cảm của bạn đã được chúng tôi tư vấn trên đây. Việc quyết định câu trả lời như thế nào phụ thuộc vào bạn nhưng hãy cân nhắc thận trọng các yếu tố để tạo cho mình niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống. Chúc bạn có được lựa chọn tốt nhất cho mình!
Hơn cả mối quan hệ giữa khách hàng và người cung cấp dịch vụ, với Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự, bạn sẽ nhận được sự thấu hiểu và những chia sẻ tận tâm từ những chuyên gia đã có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết các thủ tục ly hôn nói chung và các vụ án ly hôn nói riêng. Sự tận tâm và hiệu quả là những gì Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự cam kết đảm bảo cho bạn!
Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự
- Địa chỉ: Số 03 đường Trung Yên 3, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
- Hotline: 1900 599992
- Zalo: 091 789 4567
- Email: luatsulehonghien@gmail.com