Ly thân nhưng vẫn sống chung nhà
- 25/10/2018
- 3484
Câu hỏi:
Chào luật sư! Tôi là Phạm.T, 32 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Tôi kết hôn đã được 4 năm, có 1 con chung. Do nhiều mâu thuẫn, vợ chồng tôi hiện đang sống ly thân. Cả hai chúng tôi đều không muốn sống chung song vì con nên chúng tôi vẫn đang ở cùng 1 nhà. Tuy nhiên, chúng tôi sinh hoạt khác phòng, ăn riêng, ngủ riêng, không liên quan bất cứ điều gì đến nhau. Tình trạng này kéo dài được hơn 1 năm khiến tôi cảm thấy có chút băn khoăn. Nhiều lúc tôi cũng có những cảm xúc vương vấn không biết có nên ly hôn hay không mong được luật sư giải đáp. Tôi xin cảm ơn!
Luật sư trả lời:
Chào bạn T, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cụ thể như sau:
1. Mục đích, ý nghĩa của việc ly thân
Trong từ điển Luật học của Viện khoa học pháp lý thì ly thân là: “việc vợ chồng chấm dứt nghĩa vụ sống chung với nhau trong khi quan hệ hôn nhân chưa hoặc không chấm dứt”
Như vậy, có thể thấy, ly thân là khi vợ và chồng có sự tách bạch về đời sống như là không ăn chung, ở chung, không sinh hoạt vợ chồng. Trường hợp của bạn, tuy sống cùng một không gian nhưng những hoạt động trên vẫn tách biệt thì vẫn được coi là đang sống ly thân.
Ly thân không làm chấm dứt mối quan hệ pháp lý giữa vợ chồng nên trong thời gian sống ly thân, các bên vẫn có những quyền và nghĩa vụ đầy đủ quy định trong luật hôn nhân và gia đình.
Mục đích và ý nghĩa của việc ly thân chính là một phương thức để các bên nhìn nhận lại mối quan hệ của mình. Khi mà cả hai có nhiều những suy nghĩ trái ngược và mâu thuẫn đôi khi tranh cãi trực tiếp không phải là cách giải quyết hay. Hãy cho nhau có những không gian riêng tư và thời gian để cả hai bình tâm, giảm thiểu những căng thẳng và tranh cãi, xung đột, tránh những việc đáng tiếc có thể xảy ra như bạo lực gia đình, ly hôn quá vội vàng…
Khi bạn đang tức giận, khó có gì khiến bạn bình tâm một cách dễ dàng. Những ý định và suy nghĩ xuất hiện khi tâm trạng bạn chưa ổn định có thể sẽ làm bạn có những hành động và suy nghĩ sai trái, không sáng suốt. Những cơn giận dữ có thể suy giảm theo thời gian và khiến bạn có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống hôn nhân của mình.
Tình trạng ly thân không chịu sự quy định của pháp luật nhưng nó cũng có nghĩa là sau khi ly thân, nếu như các bạn muốn quay lại thì không phải chịu bất cứ thủ tục nào.
2. Hãy thử cho nhau cơ hội
Việc hai bạn không vội vàng ly hôn khi đã có những mâu thuẫn không thể dung hòa cho thấy các bạn cũng phần nào muốn nhìn nhận lại bản thân và muốn tìm cách giải quyết phù hợp hơn. Khi hai bạn quyết định đi tới hôn nhân, hẳn là đã có những nền tảng tình yêu, trách nhiệm rõ ràng không dễ gì có thể chối bỏ. Quan hệ hôn nhân không chỉ là quyền và trách nhiệm của mỗi bên giành cho nhau mà còn là với con cái, những người họ hàng hai bên…Vì vậy, nếu các bạn có thể bỏ qua quá khứ và tha thứ cho nhau, hãy dành cho đối phương cơ hội.
Sau quá trình ly thân và suy nghĩ về tình trạng hôn nhân, việc quyết định có quay lại hay không sẽ giúp bạn có được những quyết định quan trọng trong cuộc đời. Đừng nghĩ tới việc ly hôn chỉ vì cái tôi quá lớn và quá cố chấp, không ai chịu nhường nhịn và nhất là khi bạn vẫn có vương vấn, mong muốn xây dựng lại hạnh phúc gia đình.
3. Ly hôn nếu mọi chuyện không có gì tiến triển
Không phải trong trường hợp nào ly hôn cũng là một giải pháp xấu. Từ trường hợp của bạn, có thể thấy việc hai vợ chồng bạn không sinh hoạt chung nhưng vẫn sống cùng một nhà phần nào là vì lo nghĩ cho con, không muốn con phải chịu cảnh cha mẹ ly tán.
Tuy nhiên, bạn cần biết rằng, duy trì cuộc hôn nhân không tình yêu, không hạnh phúc chỉ vì lý do “nghĩ cho con” chưa bao giờ là một quyết định đúng đắn. Khi con bạn còn nhỏ, cháu có thể chưa hiểu hết mọi chuyện nhưng khi lớn lên, có nhận thức nhất định, cháu sẽ nhận ra tình trạng hôn nhân của bố mẹ.
Bố mẹ không có tình cảm nhưng vẫn sống chung chỉ vì con chỉ khiến con thêm áp lực, nặng nề hơn và không có niềm vui thực sự. Qua đó, bé sẽ có cái nhìn thiếu lạc quan về tình cảm gia đình, về cuộc sống.
Khi có quá nhiều mâu thuẫn, các bạn sẽ không tránh khỏi những cãi vã, khi không còn tình yêu, các bạn khó mà tránh được những phút sai lầm. Vì vậy, ly hôn trong trường hợp này sẽ là giải pháp tốt cho cả bố mẹ và con.
Khi ly hôn, các bạn nên thỏa thuận việc ai sẽ nuôi con dựa vào những quyền lợi tốt nhất cho con. Dù bố và mẹ đều rất yêu thường và mong muốn được trực tiếp nuôi con nhưng bạn không nên giành quyền nuôi con bằng mọi giá nếu như không có khả năng đảm bảo mọi quyền lợi tốt nhất cho con hơn là đối phương.
Nếu các bạn không thể thỏa thuận quyền nuôi con hay tài sản, bạn có thể làm đơn ly hôn đơn phương và yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề này. Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về vấn đề Ly thân nhưng vẫn sống chung nhà của bạn, trường hợp có bất cứ thắc mắc gì cần được giải đáp về vấn đề này hoặc muốn nhận được sự tư vấn, trợ giúp pháp lý, bạn có thể liên hệ ngay với dịch vụ tư vấn ly hôn Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự:
Chúng tôi sẽ đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho bạn trong việc phân chia tài sản khi ly hôn cũng như giành quyền nuôi con. Bằng kinh nghiệm dày dặn qua việc giải quyết các vụ án ly hôn trong thực tế, chúng tôi không chỉ cung cấp cho bạn dịch vụ pháp lý hiệu quả và kịp thời mà còn giúp đỡ bạn về mặt tinh thần, lắng nghe những tâm tư, vướng mắc và cho bạn lời khuyên chính xác nhất.
Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự:
- Địa chỉ: Số 03 đường Trung Yên 3, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
- Hotline tư vấn miễn phí 24/24: 1900 599992
- Zalo: 091 789 4567
- Email: luatsulehonghien@gmail.com