Luật sư Lê Hồng Hiển nhận định về vụ ly hôn của vợ chồng Trung Nguyên
- 17/03/2019
- 7764
Trong những ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến quá trình ly hôn của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên: ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Vấn đề ly hôn kéo dài đặt ra với nhiều tranh cãi về quyền nuôi con và việc chia tài sản.
1. Tóm tắt nội dung tại phiên tòa xét xử hôm 20/2
Ngày 20/02/2019, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử vụ ly hôn thu hút sự chú ý trong dư luận của vợ chồng ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên và bà Lê Hoàng Diệp Thảo – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên đã bắt đầu tiến hành các thủ tục đầu tiên để thực hiện việc ly hôn từ năm 2015. Quá trình ly hôn kéo dài do các bên không tìm được tiếng nói chung về những vấn đề liên quan đến quyền nuôi con và phân chia tài sản.
Tại phiên tòa, bà Thảo yêu cầu ông Vũ trả lời rằng việc chăm sóc con cái và điều hành tập đoàn Trung Nguyên như thế nào trong 5 năm ông ở trên núi. Bà đòi ly hôn với các bằng chứng đưa ra rằng ông Vũ trong 5 năm qua không hề quan tâm đến con cái và không quan tâm đến gia đình. Bà cho rằng trong khoảng thời gian ông Vũ lên núi ở ẩn, việc điều hành tập đoàn Trung Nguyên cũng như trong gia đình do mình bà gánh vác. Ông Vũ đã không thể hiện rằng mình là người chồng, người cha tốt. Ngoài việc ly hôn, bà cũng yêu cầu Tòa án giải quyết cho mình việc đòi quyền trực tiếp nuôi 4 người con chung và chia tài sản chung. Bà cũng đề nghị ông Vũ cấp dưỡng cho mỗi người con 5% trong tổng số cổ phần mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ sở hữu tại Tập đoàn Trung Nguyên.
Ông Vũ cũng chấp nhận yêu cầu ly hôn với bà Thảo. Tuy nhiên về quyền nuôi con và việc chia tài sản chung, cả hai có những ý kiến trái chiều. Ông Vũ muốn là người trực tiếp nuôi 4 con chung. Tuy nhiên, ông sẽ tôn trọng sự lựa chọn của các con và đồng ý cấp dưỡng cho mỗi người 5% cổ phần cho đến khi trưởng thành.
Về tài sản, tài sản của vợ chồng ông Vũ bà Thảo được hé lộ bao gồm 2.000 tỷ đồng tiền mặt, ngoại tệ, vàng, 13 bất động sản trị giá 725 tỷ đồng, 5.654 tỷ đồng giá trị 7 công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên.
Về khối tài sản là bất động sản, ông Vũ đề nghị được chia đôi. Phần tài sản còn lại trị giá 7.654 tỷ đồng được đề xuất chia tỷ lệ 7-3: ông Vũ nhận 70%, bà Thảo nhận 30% trên tổng số tài sản.
Bà Thảo giữ nguyên quan điểm là muốn chia đôi cổ phần của hai vợ chồng tại tập đoàn Trung Nguyên.
Trong ngày xét xử, cả hai bên vẫn chưa đạt được những thỏa thuận về phân chia tài sản và quyền nuôi con. Bà Thảo cho rằng cách điều hành của ông Vũ đang làm cho Trung Nguyên dần lụi tàn. Trong khi đó, ông Vũ nhấn mạnh bà Thảo không hiểu cách làm của chồng nên lui về phía sau để chăm lo cho các con, ông sẽ tiếp tục phát triển Trung Nguyên.
Tại phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa đã khuyên bà Thảo rút đơn ly hôn. Tuy nhiên, ông Vũ không chấp nhận và muốn tòa tiếp tục xử. Đến phiên xử vào buổi chiều, bà Thảo quyết định không rút đơn ly hôn và tiếp tục yêu cầu phân chia tài sản.
2. Nhận định của Luật sư Lê Hồng Hiển
Theo nguyên tắc phân chia tài sản được quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân & Gia đình 2014 thì: “Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.”.
Trong vụ án này, ông Vũ và bà Thảo đều thừa nhận toàn bộ khối tài sản trên được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, do đó vấn đề còn lại chỉ xoay quanh việc phân chia khối tài sản đó theo tỷ lệ cụ thể bao nhiêu để đảm bảo tính công bằng, khách quan và đúng với quy định của pháp luật. Mỗi người đều có những lý lẽ riêng và hoàn toàn có quyền đưa ra yêu cầu của mình, điều quan trọng là có thể đưa ra những bằng chứng thuyết phục Hội đồng xét xử để chứng minh cho yêu cầu của mình là hoàn toàn chính đáng hay không.
Giả sử ông Vũ đưa ra được những chứng cứ thể hiện mình có có công sức đóng góp nhiều hơn trong việc tạo lập và duy trì khối tài sản chung; hoặc nguyên nhân dẫn đến ly hôn không phải do lỗi của ông Vũ mà là từ bà Thảo; hoặc việc giao phần lớn khối tài sản cho ông Vũ quản lý chắc chắn sẽ đảm bảo được khả năng tiếp tục tạo ra thu nhập…..thì rất có thể Tòa án sẽ quyết định phân chia cho ông Vũ phần tài sản lớn hơn mà không phải theo tỷ lệ 50:50 như bà Thảo mong muốn. Tuy nhiên, những bằng chứng này phải rất rõ ràng.
Về phía bà Thảo, để được Tòa án chấp nhận yêu cầu của mình thì bà cũng phải đưa ra được những chứng cứ thể hiện mình có công sức đóng góp ngang với ông Vũ. Điểm b khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC cũng có quy định liên quan đến đến nguyên tắc phân chia tài sản, theo đó xác định Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung bao gồm: sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Như vậy, thu nhập chỉ là một phần trong tất cả những sự đóng góp được xem xét đến. Nếu bà Thảo chỉ dựa vào quy định “Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm” để đồng nhất khái niệm giữa thu nhập và công sức đóng góp, mà không đưa ra được chứng cứ thể hiện rằng công sức đóng góp của mình là ngang với ông Vũ, rồi từ đó đưa ra yêu cầu chia đều khối tài sản sẽ là không toàn diện và đúng với quy định của pháp luật. Vì pháp luật cũng có quy định rất rõ ràng: “Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn”.
Có thể thấy, trong các vụ việc ly hôn, việc chia tài sản và quyền nuôi con luôn là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi. Mâu thuẫn càng lớn, tài sản càng nhiều thì quá trình ly hôn càng kéo dài. Trên thực tế, không phải vụ ly hôn với tài sản lớn nào cũng kéo dài như vậy. Vụ ly hôn của vợ chồng ông chủ Amazon là Jeff Bezos và MacKenzie được xử lý nhanh chóng. Hai việc ly hôn giữa đồng sáng lập Google – Sergey Brin (tài sản hơn 50 tỷ USD) và Anne Wojcicki cũng tiến hành trong thời gian ngắn. Vấn đề ở đây là cả hai bên đã đồng tình với những thỏa thuận chung nên không tốn nhiều thời gian tranh cãi.
Ngược lại, vụ việc ly hôn của vợ chồng cà phê Trung Nguyên là ông Vũ và bà Thảo kéo dài do hai bên không thống nhất và thỏa thuận được với nhau về nhiều vấn đề. Khối tài sản lớn cần xác minh và định đoạt cũng khiến cho thời gian ly hôn càng lúc càng kéo dài ra. Điều đó không chỉ gây mệt mỏi cho cả hai bên mà còn khiến họ phải mất một khoản tiền khá lớn khi yêu cầu Tòa án phân chia tài sản.
Nếu muốn ly hôn nhanh chóng và tốn ít thời gian, các bên cần thỏa thuận được với nhau về việc phân chia tài sản và quyền nuôi con. Nếu không thể thỏa thuận được và nhờ Tòa án giải quyết, quá trình ly hôn sẽ kéo dài tùy theo tính phức tạp của vụ việc. Như trường hợp ông Vũ bà Thảo, việc ly hôn đã bắt đầu từ năm 2015 cho tới nay là 4 năm.
Trong trường hợp ly hôn, bạn cần phải tham khảo ý kiến của luật sư để đảm bảo quyền lợi cho mình. Nếu như không có luật sư tư vấn và hỗ trợ, bạn sẽ rất dễ thỏa thuận những điều khoản không có lợi cho mình hoặc bị đối phương dành ưu thế khi chia tài sản hoặc quyền nuôi con. Các luật sư là người có nhiều kinh nghiệm thực tế, có hiểu biết pháp luật chắc chắn nên sẽ giúp bạn giành được ưu thế về mình.
Hãy liên hệ trực tiếp tới Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự thông qua địa chỉ: https://dichvulyhonhanoi.vn/ hoặc qua Hotline: 1900 599992 hoặc Zalo: 091 789 4567 để được hỗ trợ.
>> Xem thêm